Phân tích Hồ sơ yêu cầu và Thông báo khởi xướng trong vụ việc EU điều tra áp dụng biện pháp Chống bán phá giá với Thép cán nóng nhập khẩu từ Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản
I. THÔNG TIN CHUNG
Là một trong những thành viên sáng lập của WTO, Liên minh châu Âu (EU) đã tham gia vào quá trình đàm phán các Hiệp định WTO liên quan đến phòng vệ thương mại (PVTM). EU sử dụng các công cụ PVTM dựa trên các quy tắc của WTO và có thể áp dụng thêm một số điều kiện bổ sung cho các quy tắc này để tái thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng cho ngành sản xuất nội đia của EU khi bị thiệt hại từ hàng nhập khẩu bán phá giá hoặc trợ cấp, nhập khẩu ồ ạt hoặc có hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM đang có hiệu lực. Các quy tắc của WTO được phản ánh trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của EU về các nội dung trên. Luật Chống bán phá giá (CBPG) của EU được ban hành lần đầu tiên vào năm 1968, đến nay đã qua nhiều lần sửa đổi. Theo quy định của EU, Cơ quan điều tra PVTM của EU là Ủy ban Châu Âu (EC).
Ngày 08 tháng 8 năm 2024, EC đã bàn hành Thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ai Cập, Ấn Độ và Nhật Bản, nhập khẩu vào Liên minh Châu Âu (EU). Vụ việc được tiến hành trên cơ sở xem xét Hồ sơ yêu cầu của Hiệp hội Thép Châu Âu.
II. HỒ SƠ YÊU CẦU ĐIỀU TRA CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ VỚI THÉP CÁN NÓNG NHẬP KHẨU TỪ AI CẬP, ẤN ĐỘ, NHẬT BẢN
Bên yêu cầu đưa ra các bằng chứng ban đầu cáo buộc thép cán nóng nhập khẩu từ Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản có hành vi bán phá giá và gây thiệt hại đánh kể cho ngành sản xuất thép cán nóng nội địa của EU.
Bằng chứng về bán phá giá được EU được Bên yêu cầu tính toán dựa trên các yếu tố thị trường và nhập khẩu khác nhau giữa các nước bị cáo buộc. Cụ thể, Bên yêu cầu cáo buộc tồn tại hành vi bán phá giá của hàng hóa có xuất xứ Ai Cập, Ấn Độ và Nhật Bản dựa trên so sánh giá nội địa và giá xuất khẩu bán sang EU. Biên độ bán phá giá cáo buộc cho Ai Cập là 30-40%, Ấn Độ là 5-15% và Nhật Bản là 10-20% Như vậy, mức độ cáo buộc cho Ấn Độ là thấp nhất trong số 3 nước.
Bằng chứng về thiệt hại được chứng minh bằng thiệt hại đáng kể hiện hữu với nagnfh sản xuất thép cán nóng nội địa của EU, với nguyên nhân chính là hàng hóa bị cáo buộc bán phá giá. Thiệt hại này là thiệt hại tổng thể từ việc gia tăng nhập khẩu từ cả 4 nước đã giành thị phần bán hàng từ ngành sản xuất nội địa, và việc chênh lệch giá của 4 nước bị cáo buộc, tức là giá bán của hàng hóa nhập khẩu thấp hơn giá bán của hàng hóa tương tự sản xuất nội địa. Sự chênh lệch giá này, được xác định cùng với tác động kìm giá và ép giá cấu thành 3 yếu tố giá có thể gây ra thiệt hại đáng kể. Áp lực từ hàng hóa nhập khẩu được cho là nguyên nhận duy nhất buộc các nhà sản xuất EU giảm giá bán để cạnh tranh. Sự ép giá của hàng hóa nhập khẩu dẫn tới kìm giá, dù rằng các chi phí nguyên liệu đang tăng, ngành sản xuất nội địa không thể tăng giá bán tương ứng để đảm bảo tỷ suất lợi nhuận đã đề ra, dẫn tới việc thua lỗ trong các quý tài chính gần đây. Mức lỗ trong năm 2023 tổng thể vượt mức 5%. Các nhà sản xuất EU đã duy trì sản xuất ổn định theo nhu cầu của thị trường và gia tăng lượng bán hàng, tuy nhiên lợi nhuận vẫn đi xuống. Việc duy trì nhân công bị đe dọa không thể mở rộng và phát triển.
Bên yêu cầu đã cung cấp bằng chứng về việc hàng hóa nhập khẩu từ các nước bị điều tra có sự gia tăng tuyệt đối về lượng và thị phần trên thị trường; đồng thời chỉ ra rằng hàng hóa bị cáo buộc bán phá giá đã gây ra tác động thiệt hại cả về lượng, giá, thị phần của ngành sản xuất nội địa của EU; dẫn tới các ảnh hưởng tiêu cực đối với tổng thể các hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính và việc làm của ngành. Đối với Ấn Độ, Bên yêu cầu bổ sung thêm các bằng chứng về việc chính sách thuế xuất khẩu của Chính phủ tác động làm giảm giá quặng sắt và than – nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép cán nóng (chiếm lần lượt 30-40% và 26-39% chi phí sản xuất thép cán nóng), tạo ra lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu bán phá giá sang EU. Trên căn cứ đó, Bên yêu cầu đề nghị EC cân nhắc việc sử dụng nguyên tắc “thuế thấp hơn” (bù trừ giữa biên độ bán phá giá và biên độ thiệt hại) đối với hàng hóa có xuất xứ từ Ấn Độ.
Bên yêu cầu cho rằng nếu không áp dụng biện pháp CBPG sẽ tác động tiêu cực tới ngành sản xuất nội địa, và tiếp tục dẫn tới các thiệt hại đang kể gây ra bởi hàng hóa bán phá giá, và ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của các thành viên EU. Bên yêu cầu cho rằng việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đảm bảo mục tiêu bảo vệ, tái thiết lập môi trường cạnh tranh trong Khối. Biện pháp này không dẫn tới việc thiếu nguồn cung do mức độ thuế đề nghị chỉ ở mức trung bình bời vì hàng nhập khẩu từ 4 nước có thể tiếp tục tham gia thị trường - ở một mức độ công bằng hơn và có đủ năng lực sản xuất tại EU và các nước thứ 3 để đảm bảo sự thiếu hụt nguồn cung từ các nước bị điều tra.
Xét một cách tổng thể, Bên yêu cầu cáo đưa ra 1 số cáo buộc có lợi cho Ấn Độ hơn, khi so sánh với cáo buộc từ 3 nước còn lại. Tuy nhiên, Bên yêu cầu lại lưu ý Ấn Độ ở khía cạnh can thiệp của Nhà nước vào thị trường nguyên liệu đầu vào. Cáo buộc này có nhiều nét tương đồng với cáo buộc về tình hình thị trường đặc biệt – một hình thức đối xử hiện được nhiều nước thay thế trong trường hợp đã công nhận kinh tế thị trường. Nếu bị chứng minh và kết luận có can thiệt, các doanh nghiệp Ấn Độ có thể sẽ bị sử dụng dữ liệu thay thế đối với nguyên liệu đầu vào trong quá trình tính giá trị thông thường của các giao dịch bán hàng, từ đó làm tăng chi phí và giá thành, dẫn tới làm tăng biên độ bán phá giá.
III. THÔNG BÁO KHỞI XƯỚNG ĐIỀU TRA
- Ngày nhận Hồ sơ yêu cầu: 24 tháng 6 năm 2024.
- Ngày ban hành Thông báo khởi xướng: 08 tháng 8 năm 2024.
- Bên yêu cầu: Hiệp hội Thép Châu Âu.
- Hàng hóa bị điều tra: Thép cán nóng. Sản phẩm này bao gồm sản phẩm từ sắt cán phẳng, là thép không hợp kim hoặc hợp kim với nguyên tố khác, có thể cuộn hoặc không cuộn (gồm cả cắt theo chiều dài và thép mảnh), không gia công quá mức cán nóng, không được mạ, hoặc phủ nhằm chống gỉ phân loại theo nhiều mã CN khác nhau như 7208, 7211, 7225, 7226. Tương tự các vụ việc khác, mã HS
- Một số hàng hóa được loại trừ: (1) Thép không gỉ hoặc thép điện silicon định hướng hạt; (2) Thép công cụ và thép công cụ có độ cứng lớn chuyên dụng; (3) Thép không ở dạng cuộn, không có hoa văn nổi, có độ dày lớn hơn 10 mm và khổ rộng từ 600 mm trở lên; và (4) Thép không ở dạng cuộn, không có hoa văn nổi, có độ dày từ 4,75 mm trở lên nhưng không quá 10 mm và có khổ rộng từ 2050 mm trở lên.
- Các doanh nghiệp liên quan: Ai Cập gồm Công ty Ezz Steel Hadisolb và các nhà sản xuất thép cán nóng khác; Nhật Bản gồm các Công ty JFE Steel và các nhà sản xuất thép cán nóng khác; Ấn Độ gồm các công ty AM / NS India, JSW Bhushan Power & Steel, Bhushan Steel Ltd, Essar Steel, Jindal Steel & Power, JSW India, National Mineral and Development Corporation (NMDC), Steel Authority of India Limited, and Tata Stee và các nhà sản xuất thép cán nóng khác.
- Giai đoạn điều tra bán phá giá: Từ ngày 01/4/2023 đến ngày 31/3/2024
- Giai đoạn điều tra thiệt hại: Từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/3/2024
- Thời hạn điều tra: Vụ việc điều tra sẽ kết thúc trong vòng 01 năm, có thể được gia hạn những không quá 14 tháng kể từ ngày ban hành Thông báo khởi xướng.
Sau khi khởi xướng điều tra, EC yêu cầu các bên liên quan, căn cứ vào mức độ quan tâm và ảnh hưởng lợi ích trong vụ việc, có các hoạt động phối hợp điều tra khác nhau:
Gửi ý kiến về phạm vi sản phẩm: Trong vòng 10 ngày kể từ ngày ban hành Thông báo khởi xướng
- Gửi ý kiến về Hồ sơ yêu cầu và việc khởi xướng: Trong vòng 37 ngày kể từ ngày ban hành Thông báo khởi xướng .
- Gửi yêu cầu tham vấn về việc khởi xướng: Trong vòng 15 ngày kể từ ngày ban hành Thông báo khởi xướng.
- Chọn mẫu điều tra: EC có thể chọn mẫu điều tra trong trường hợp số lượng các nhà sản xuất, xuất khẩu quá lớn. Để được chọn mẫu, các nhà sản xuất, xuất khẩu được yêu cầu cung cấp các thông tin cho EC trong vòng 07 ngày kể từ ngày ban hành Thông báo khởi xướng thông qua hệ thống điện tử TRON. EC có thể liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền của nước bị điều tra hoặc hiệp liên quan để phục vụ thu thập thông tin cho việc chọn mẫu.
- Các doanh nghiệp có thể được chọn mẫu nếu lượng xuất khẩu của doanh nghiệp đó sang EU có đủ tính đại diện. Thông báo về việc chọn mẫu sẽ được cung cấp cho các nhà sản xuất, xuất khẩu, cơ quan có thẩm quyền của nước bị điều tra và hiệp hội liên quan theo các thông tin sẵn có của EC. Các bên liên quan có thể gửi ý kiến về việc chọn mẫu trong vòng 03 ngày kể từ ngày ban hành Thông báo về việc chọn mẫu.
- Trả lời bản câu hỏi điều tra:
+ Các doanh nghiệp được chọn mẫu phải nộp Bản trả lời câu hỏi điều tra trong vòng 30 ngày kể kể từ ngày ban hành Thông báo về việc chọn mẫu. Bản câu hỏi điều tra được đăng tải trên hệ thống điện tử TRON. Các doanh nghiệp đồng ý chọn mẫu nhưng không được chọn được EC coi là doanh nghiệp hợp tác trong vụ việc. Thuế CBPG có thể được áp dụng cho các doanh nghiệp này nhưng không vượt quá bình quân gia quyền của các doanh nghiệp được chọn mẫu. Các doanh nghiệp có thể yêu cầu gia hạn điều tra trong trường hợp đặc biệt tuy nhiên quyền quyết định thuộc về EC.
+ Chính phủ Ấn Độ phải nộp Bản trả lời câu hỏi điều tra dành cho Chính phủ trong vòng 37 ngày kể từ ngày ban hành Thông bao khởi xướng (15 tháng 9 năm 2024) để làm rõ các chính sách liên quan tới cáo buộc can thiệp vào giá nguyên liệu đầu vào của hàng hóa bị điều tra. Theo kinh nghiệm từ vụ việc trước đây, EC có thể yêu cầu cung cấp các thông tin bổ sung, cũng như tiến hành thẩm tra tại chỗ để làm rõ các nội dung tại Bản trả lời của Chính phủ Ấn Độ.
- Đề nghị tính biên độ bán phá giá riêng cho các doanh nghiệp không được chọn mẫu: Doanh nghiệp hợp tác trong vụ việc có thể đề nghị EC tính biên độ bán phá giá riêng bằng cách gửi đề nghị và nộp Bản trả lời câu hỏi điều tra như doanh nghiệp được chọn mẫu. Tuy nhiên, việc tính thuế riêng cho nhóm đối tượng này không phải là nghĩa vụ bắt buộc của EC.
- Điều tra xác định thiệt hại: Bên cạnh việc điều tra xác định hành vi bán phá giá, EC sẽ tiến hành điều tra các nhà nhập khẩu và sản xuất nội địa tại EU để xác định thiệt hại, mối quan hệ nhân quả và đáng giá tác động của biện pháp CBPG (nếu có) đối với lợi ích chung của khối.
- Thủ tục tham vấn trong quá trình điều tra: Trong quá trình điều tra, các bên có thể yêu cầu tham vấn trong giai đoạn EC ban hành dự thảo kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng để lấy ý kiến các bên liên quan.
+ Gửi yêu cầu tham vấn trước khi ban hành biện pháp CBPG tạm thời: trong vòng 15 ngày kể từ ngày ban hành Thông báo khởi xướng. Phiên tham vấn sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày kể từ ngày ban hành Thông báo khởi xướng.
+ Gửi yêu cầu tham vấn tại giai đoạn Kết luận sơ bộ: Trong vòng 05 ngày kể từ ngày ban hành Kết luận sơ bộ. Phiên tham vấn sẽ được tổ chức trong vòng 15 ngày kể từ ngày ban hành chi tiết về Kết luận sơ bộ.
+ Gửi yêu cầu tham vấn tại giai đoạn Kết luận cuối cùng: Trong vòng 03 ngày kể từ ngày ban hành Kết luận cuối cùng. Phiên tham vấn sẽ được tổ chức trong thời gian phù hợp với thời hạn gửi ý kiến với Kết luận cuối cùng.
- Kết luận sơ bộ và Biện pháp CBPG tạm thời: Kết luận sơ bộ có thể dẫn tới việc áp dụng Biện pháp CBPG tạm thời. Biện pháp CBPG tạm thời có thể được áp dụng trong vòng 7-8 tháng từ ngày ban hành Thông báo khởi xướng. EC sẽ thông báo trước 04 tuần cho các bên liên quan về việc dự kiến áp dụng Biện pháp CBPG tạm thời để các bên cho ý kiến đối với việc tính toán biên độ bán phá giá (thời gian cho ý kiến là 03 ngày làm việc). Trong trường hợp không áp dụng Biện pháp CBPG tạm thời mà chỉ ban hành Kết luận sơ bộ. Các bên cũng sẽ có 15 ngày để cho ý kiến đối với dự thảo kết luận sơ bộ để EC xem xét việc tiếp tục cuộc điều tra.
- Kết luận cuối cùng và Biện pháp CBPG chính thức: Các bên liên quan có 10 ngày để cho ý kiến đối với Kết luận cuối cùng. Kết luận cuối cùng có thể dẫn tới việc áp dụng hoặc không áp dụng Biện pháp CBPG chính thức.
IV. CÁO BUỘC BÓP MÉO THỊ TRƯỜNG NGUYÊN LIỆU CỦA ẤN ĐỘ
EC ban hành một bản câu hỏi điều tra dành riêng cho Chính phủ Ấn Độ để cho phép cung cấp quan điểm về bằng chứng do bên yêu cầu cung cấp cáo buộc có sự bóp méo thị trường quặng sắt và than theo quy định được định nghĩa tại Điều 7(2a) của Quy định (EU) số 2016/1036 của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu (OJ L 176, 30.6.2016, p.21), được sửa đổi bổ sung bởi Quy định (EU) 2018/825 của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu (OJ L143, 7.6.2018, p.1) (Quy định cơ bản). Các bằng chứng đầy đủ để khởi động cuộc điều tra đánh giá liệu các bóp méo này có thể không áp dụng quy tắc đánh thuế thấp hơn hay không. EC ũng bảo lưu quyền điều tra các bóp méo khác được quy định tại Điều 7(2a) của Quy định cơ bản có thể được ban hành tiếp trong cuộc điều tra này.
Chính phủ Ấn Độ cần phối hợp cung cấp các thông tin và quan điểm đối với các cáo buộc và yêu cầu thông tin của EC để xem xét lợi ích của Khối. Các câu hỏi với Ấn Độ tập trung các trương trình địa phương có thể tác động bóp méo nguyên liệu đầu vào của thép cán nóng, gồm có quặng sắt, quặng than và thép phế.
Đối với quặng sắt, khoang 1/3 nhà sản xuất quặng sắt là công ty nhà nước và một số nhà sản xuất sử dụng quặng sắt với mục đích nội bộ. Giá quặng sắt tại Ấn Độ rất thấp, ngay cả khi so với quặng sắt của Trung Quốc. Mặc dù nhu cầu được đáp ứng đầy đủ bởi nhà sản xuất nội địa, Chính phủ Ấn Độ vẫn hạn chế xuất khẩu quặng sắt thông qua việc áp thuế xuất khẩu đối với quặng sắt có mác cao. Theo Biểu thuế Hải quan được Bộ Tài chính ban hành, thuế xuất khẩu quặng sắt và quặng tuyển phải chịu thuế xuất khẩu 30%. Các hạn chế xuất khẩu này cũng được áp dụng đối với quặng crôm và mangan. Hơn nữa, hạn chế hạn ngạch hoặc nhập khẩu bị hủy bỏ bởi công ty nhà nước KIOCL, tiền thân là công ty quặng sắt Kudremukh) hoặc các thực thể bị chi phối bởi KIOCL.
Đối với quặng than, các quặng này hầu hết được vận hành bởi các công ty nhà nước. Ấn Độ là một trong các nước có dự trữ than lớn nhất thế giới và xếp thứ 2 về sản xuất than hàng năm. Than cốc, không giống như quặng sắt, không được sản xuất nội địa ở mức đảm bảo đủ cho các công ty sản xuất thép ấn độ và chỉ được cung cấp bởi các công ty nhà nước. Than cốc nội địa được sản xuất bởi công ty nhà nước Bahrat Coking Coal, là một phân nhanh của Coal India (nhà sản xuất than lớn nhất thế giới). Ngành than của Ấn Độ được cho là được trợ cấp ở mức độ rất lớn. Chính quyền trung ương đã có ít nhất 10 trợ cấp khác nhau cho than, nhưng lớn nhất là khoản chi về thuế trong năm 2023.
Đối với thép phế, việc xuất khẩu cũng chịu tác động bởi thuế xuất khẩu, ở mức 15%. Cả thuế xuất khẩu và các loại phí nhằm hạn chế xuất khẩu đều có thể bị coi là hạn chế xuất khẩu. Như vậy, cả quặng sắt, than và thép phế đều nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước và bị bóp méo một cách đáng kể, dưới hình thức hạn chế xuất khẩu. Do đó, Bên yêu cầu kiến nghị không áp dụng quy tắc thuế thấp hơn đối với các doanh nghiệp Ấn Độ.
Giá nguyên liệu thô tại Ấn Độ, dưới tác động bóp méo của Chính phủ, đang được bán thấp hơn tiêu chuẩn quốc tế. Thông qua so sánh với chỉ số quặng sắt và than Platts global, Hiệp hội Thép Châu Âu đã đưa ra kết luận khẳng định nội dung cáo buộc này.
V. MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ
Hiện nay, EU đang áp dụng biện pháp tự vệ đối với nhiều sản phẩm thép, trong đó có thép cán nóng nhập khẩu theo hình thức hạn ngạch thuế quan. Biện pháp tự vệ này dự kiến kết thúc vào năm 2026 và không tiếp tục được gia hạn theo quy định của WTO. Do đó, dường như EC đang triển khai nhiều biện pháp CBPG với mặt hàng thép từ các nguồn nhập khẩu cụ thể, để dự trù cho việc kết thúc áp dụng thuế tự vệ vào năm 2026.
Mặt khác, so với giai đoạn trước, quy định pháp luật của EU về điều tra CBPG đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là quy định về nền kinh tế phi thị trường. Năm 2017, EU đưa ra khái niệm về sự can thiệp vào thị trường và thông báo sẽ ban hành các báo cáo liên quan đến sự can thiệp vào thị trường của một số quốc gia. Trong trường hợp có sự can thiệp đáng kể của Nhà nước tới thị trường, EC sẽ sử dụng các số liệu thay thế để tính toán giá trị thông thường trong các vụ việc điều tra CBPG đối với hàng hóa xuất khẩu từ quốc gia đó. Cho đến nay, EU đã ban hành báo cáo về thị trường của Trung Quốc (năm 2017 và năm 2024) và của Nga (năm 2020).
Theo nghiên cứu của chúng tôi, nhu cầu thực sự tại Châu Âu là rất lớn và ổn định, có nhiều tiềm năng phát triển. Theo báo cáo của Hiệp hội Thép thế giới, sản lượng thép thô toàn cầu, bao gồm thép bán thành phẩm, thép phôi và thép lỏng, đã giảm xuống còn 1,89 tỷ tấn vào năm 2022. Con số này thấp hơn 3,9% so với 1,96 tỷ tấn vào năm 2021. Trong khi đó, Ấn Độ đang nổi lên như một cường quốc mới. Trong khi sản lượng của Trung Quốc giảm năm thứ hai liên tiếp, Ấn Độ là quốc gia duy nhất trong danh sách các nhà sản xuất lớn tăng sản lượng thép. Sự tăng trưởng của Ấn Độ đặc biệt quan trọng, xét đến việc nhiều quốc gia sản xuất thép lớn nhất, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Nga, đã trải qua sự sụt giảm sản lượng. Trên thực tế, Iran là quốc gia duy nhất trong số 10 quốc gia hàng đầu có sản lượng thép tăng.
Trong suốt năm 2022, Trung Quốc đã sản xuất 1.018 tấn thép thô. Con số này thấp hơn 1,6% so với năm 2021, khi con số này giảm 2,8%. Tuy nhiên, Trung Quốc sản xuất nhiều thép hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại và gấp 12 lần so với Mỹ. Trên thực tế, quốc gia này sản xuất hơn một nửa lượng thép thô trên thế giới và chịu trách nhiệm chính cho sự gia tăng sản lượng thép thô toàn cầu kể từ năm 2000. Từ đó đến năm 2022, sản lượng của Trung Quốc đã tăng 735%. Trong khi đó, sản lượng của Bắc Mỹ giảm 18% và sản lượng ở phần còn lại của thế giới tăng 29%. Hiện nay, sản lượng của Trung Quốc đang giảm, Ấn Độ đang nắm bắt cơ hội trở thành nguồn thay thế chính. Năm 2019, Ấn Độ trở thành nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới, vượt qua Nhật Bản. Ấn Độ vẫn có tỷ lệ tiêu thụ thép bình quân đầu người rất thấp - chỉ bằng 1/3 mức trung bình của thế giới. Tuy nhiên, Chính phủ Ấn Độ đã đặt mục tiêu tăng tỷ trọng của lĩnh vực sản xuất lên 25% GDP vào năm 2025. Nước này cũng hy vọng đạt được sản lượng thép 300 tấn mỗi năm vào năm 2030. Hiệp hội Thép Ấn Độ (ISA) dự báo, nhu cầu thép trong nước tăng trưởng 7,5% trong năm tài chính 2024. Điều này sẽ đưa sản lượng lên 128,85 tấn so với 119,86 tấn trong năm tài chính 2023. Trong năm tài chính 2025, ISA dự kiến sản lượng sẽ tăng thêm 6,3% lên 136,97 tấn. Sự tăng trưởng nhu cầu dự kiến này chủ yếu là do chính phủ tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng và mở rộng các hoạt động xây dựng. Vào năm 2023, khả năng tăng trưởng của Ấn Độ khá chắc chắn trong khi nhu cầu của Trung Quốc đã giảm xuống. Theo báo cáo này, sản lượng thép thô toàn cầu trong tháng 4/2023 giảm 2,4% so với cùng kỳ 2022. Hiệp hội Thép thế giới cũng lưu ý rằng, 63 quốc gia báo cáo đã sản xuất 161,4 tấn thép vào tháng 4/2023. Đây là mức giảm đáng kể so với 162,7 triệu tấn vào tháng 4/2022. Riêng Trung Quốc đã giảm 1,5%, sản xuất 92,6 tấn thép trong cùng kỳ. Nhật Bản và Mỹ cũng ghi nhận sản lượng thép giảm lần lượt là 3,1% và 5,3%. Trong khi đó, sản lượng thép của Ấn Độ tăng 3,2%, đạt 10,7 tấn. Hỗ trợ toàn cầu khác đến từ Nga, với sản lượng tăng 1,9% lên 6,4 tấn. Sản lượng của Hàn Quốc tăng 3% lên 5,7 tấn và Iran báo cáo tăng 5,9% lên 3,1 tấn. Trong bối cảnh lĩnh vực xây dựng đang gặp khó khăn của Trung Quốc và khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ và châu Âu, thì Ấn Độ hiện là một nhân tố quan trọng trong việc phục hồi nhu cầu thép toàn cầu.
Tuy nhiên, cũng có nhiều hạn chế với Ấn Độ trong quá trình khai thác thị trường Châu Âu. Các nguồn tin thị trường cho biết, hoạt động bán cuộn cán nóng và cán nguội của Ấn Độ vẫn ảm đạm tại thị trường Châu Âu trong bối cảnh các nhà máy Ấn Độ tiếp tục ngừng hoạt động để bảo trì trong quý từ tháng 4/2024 đến tháng 6/2024. Bất chấp nhu cầu yếu và nguồn cung hạn chế, giá vẫn tăng ở thị trường xuất khẩu và nội địa do tình trạng thiếu nguồn cung liên quan đến việc ngừng hoạt động bảo trì và dự trữ hàng trước mùa gió mùa. Lưu ý rằng nhu cầu thấp và những thách thức dai dẳng về hạn ngạch thuế tự vệ của EU là một trong số số yếu tố dẫn đến tâm lý yếu kém. Các biện pháp hạn ngạch tự vệ của EU đã được gia hạn tới năm 2026 dù có nới lỏng hạn ngạch qua từng năm.
Theo dữ liệu TARIC của EU, hạn ngạch tự vệ trong quý 2 của EU đối với HRC có nguồn gốc từ Ấn Độ có số dư còn lại là 49,317 tấn và 1,810 tấn vẫn đang chờ phân bổ tính đến ngày 29/4. Tuần cuối tháng 4/2024 (Q2), số dư còn lại ở mức 39,157 tấn, với 808 tấn đang chờ phân bổ. Số dư tăng lên có thể là do một số hạn ngạch Q1 được chuyển sang Q2 trong những ngày gần đây, trong khi hạn ngạch Q4/2023 được chuyển sang Q1/2024. Tại thị trường Châu Âu, không có chào bán HRC mới nào có nguồn gốc từ Ấn Độ được đưa ra trong tuần cuối tháng 4. Tuy nhiên, kỳ vọng về giá của các nhà máy vẫn không thay đổi trong tuần ở mức khoảng 650-660 USD/tấn cfr Antwerp, hoặc 600 USD/tấn fob Ấn Độ đối với loại S235, cho lô hàng tháng 5 và 6. Tuy nhiên, một số nhà máy lớn của Ấn Độ đã quay trở lại thị trường xuất khẩu trong tuần đầu tiên của tháng 5. Các nguồn lưu ý rằng chênh lệch giá chào thầu và giá chào bán là khoảng 40 USD/tấn, vì người mua Châu Âu đang tìm kiếm mức giá 615-620 USD/tấn cfr. So sánh, giá chào của Hàn Quốc được đưa ra ở mức gần với giá nội địa Châu Âu, vào khoảng 630 Euro/tấn (674.7 USD/tấn) cfr, trong khi giá chào của Nhật Bản được nghe ở mức 630 USD/tấn cfr.
Sang năm 2024, nhiều tổ chức tài chính đánh giá nhu cầu tiêu thụ tại EU tiếp tục hồi phục sẽ là điểm nhấn giúp sản lượng xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng. Tuy nhiên, chúng tôi nhận định rằng không phải tất cả các loại thép đều sẽ có mức phục hồi ấn tượng. Đặc biệt, sản phẩm công nghiệp này là xương sống của rất nhiều quốc gia như là Hoa Kỳ, EU, Australia, Brazil, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Mexico, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Anh và Ấn Độ. Với lợi thế về quy mô, nguồn cũng dồi dào từ các nhà máy đã sản xuất lâu đời sẽ tạo ra sự cạnh tranh rất khốc liệt trên thị trường xuất khẩu. Số liệu thống kế của chúng tôi cho thấy, trong giai đoạn từ 2021 đến nay, tổng lượng xuất khẩu thép cán nóng từ Việt Nam sang EU lần lượt là 388 ngàn tấn (2021); 456 ngàn tấn (2022); 1,43 triệu tấn (2023) và 559 ngàn tấn (8T/2024). Giá trị tương ứng là 326 triệu USD (2021); 344 triệu USD (2022); 916 triệu USD (2023) và 328 triệu USD (8T/2024). Như vậy, ước tính toàn bộ năm 2024, lượng thép cán nóng của Việt Nam xuất sang EU sẽ thấp hơn khoảng 1/3 so với năm 2023. Từ đó có thế suy luận rằng thực tế nhu cầu thép cán nóng của EU sẽ giảm mạnh trong năm 2024, từ tất cả các nguồn cung toàn cầu. Mặt khác, các Thành viên EU đang đối mặt với khủng hoảng già hóa dân số và áp lực phát triển chậm, do đó sẽ có xu hướng áp dụng nhiều hơn các biện pháp hạn chế nhập khẩu. Thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Global Trade Alerts cũng cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, các sản phẩm HRC của Trung Quốc và Ấn Độ đã bị khoảng 14 quốc gia/thị trường điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp (với trên 40 vụ việc điều tra).
Cuối cùng, EU phân biệt trong đối xử giữa nhưng nước bị ngầm coi là có nền kinh tế phị thị trường thông qua các chính sách do Chính phủ ban hành để tạo ra giá thành thấp và lợi thế bất bình đẳng khi xuất khẩu. Đối với cáo buộc bóp méo thị trường quặng sắt và than cốc của Ấn Độ, theo một số liệu khảo sát năm 2023 của công ty dịch vụ tình báo hàng hóa Kpler, xuất khẩu quặng sắt của Ấn Độ sẽ vẫn ở mức thấp do nhà sản xuất lớn thứ tư thế giới cần dự trữ nhiều hàng hóa hơn để tiêu thụ nội địa. “Xuất khẩu quặng sắt của Ấn Độ đã giảm trong vài tháng qua. Và điều đó cho thấy sức tiêu thụ nội địa rất mạnh”, Reid I’Anson, nhà phân tích hàng hóa cấp cao của Kpler cho biết. Xuất khẩu quặng sắt của Ấn Độ vào tháng 10/2022 đã giảm 90% so với cùng kỳ và ghi nhận mức giảm lên tới 96% vào tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái. Ấn Độ sản xuất 9,2% quặng sắt của thế giới. Úc là nhà sản xuất lớn nhất chiếm gần 35% nguồn cung toàn cầu, tiếp theo là Brazil và Trung Quốc. “Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế nổi bật về tốc độ tăng trưởng vào năm 2023. Và tôi nghĩ rằng xuất khẩu quặng sắt của Ấn Độ sẽ vẫn khá yếu vì họ tiêu thụ phần lớn sản lượng nội địa đó”, nhà phân tích Reid I’Anson cho biết.
Sự sụt giảm trong xuất khẩu quặng sắt của Ấn Độ diễn ra ngay khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 khiến giá hàng hóa tăng vọt, và nhà phân tích I’Anson dự báo rằng “giá quặng sắt sẽ có thể tăng 20%”. Quặng sắt loại chứa hàm lượng 62% sắt đang giao dịch quanh mức 123,37 USD/tấn, tăng khoảng 30% kể từ tháng 12 khi Trung Quốc tuyên bố hủy bỏ các biện pháp Zero Covid nghiêm ngặt. Quặng sắt chủ yếu được sử dụng để sản xuất thép, một vật liệu quan trọng trong các dự án xây dựng và kỹ thuật, và cả hai quốc gia châu Á đang trên đà tiêu thụ nhiều hơn.“Thị trường đã nhận được sự quay trở lại của người tiêu dùng ở Trung Quốc, điều này sẽ thúc đẩy tiêu dùng lâu bền và chúng ta sẽ thấy sự cải thiện trong thị trường bất động sản ở đó”, nhà phân tích I’Anson cho biết. Theo Refinitiv, khoảng 60% xuất khẩu quặng sắt toàn cầu được dành cho Trung Quốc. Tamara Thorne, nhà phân tích cấp cao tại Refinitiv Metals Research cho biết: “Nhu cầu hạ nguồn ở Trung Quốc bắt đầu cho thấy một số dấu hiệu lạc quan dựa trên sự hỗ trợ của chính phủ, đặc biệt đối với ngành xây dựng - ngành sử dụng thép lớn nhất trong nước”. Seshagiri Rao, đồng Giám đốc điều hành của JSW Steel cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng mức tiêu thụ thép ở Ấn Độ sẽ tăng nhanh hơn nhiều so với những gì chúng ta đã thấy trong 9 tháng đầu năm tài chính 2022”. Tổng thư ký Liên đoàn Công nghiệp Khoáng sản Ấn Độ, BK Bhatia cho biết, ông tin rằng xuất khẩu quặng sắt vào năm 2023 sẽ cao hơn nhiều so với xuất khẩu trong năm 2022. Xuất khẩu quặng sắt của Ấn Độ đã bị ảnh hưởng bởi mức thuế 50% đối với quặng sắt cấp thấp, nhưng quy định này đã thay đổi vào cuối tháng 11/2022. Nhưng trong khi xuất khẩu quặng sắt của Ấn Độ đã tăng kể từ tháng 12/2022, động thái này có thể không bền vững. Nhà phân tích I’Anson cho rằng, xuất khẩu khó có thể quay trở lại mức đã thấy trong năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, xuất khẩu quặng sắt của Ấn Độ sẽ không phải là yếu tố lớn nhất gây ra biến động giá cả. Robert Stein, nhà phân tích nghiên cứu của CLSA cho biết: “Yếu tố dao động lớn nhất là khả năng hoạt động của Tập đoàn khoáng sản Rio Tinto ở Úc và Vale ở Brazil khi đạt đến giới hạn chuỗi cung ứng của họ”. Cả hai cường quốc quặng sắt đều kỳ vọng sản lượng sẽ không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái và sẽ tăng 5% trong một kịch bản tăng giá. “Vốn lưu động đã ổn định nhưng vẫn còn khá cao do biến động giá cả hàng hóa, giá nguyên liệu thô cao hơn và áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu”, Tập đoàn Rio Tinto cho biết trong báo cáo kết quả sản xuất quý IV. “Nhu cầu vẫn bị ảnh hưởng bởi chương trình giảm nợ trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc và trong bất kỳ tuần nào, tâm lý tích cực có thể khiến giá cao hơn, nhưng để đạt được những mức đó một cách bền vững, chúng ta cần thấy các gói kích thích hoặc hỗ trợ thị trường bất động sản trên diện rộng”, nhà phân tích Robert Stein cho biết.
Bên cạnh tâm điểm Ấn Độ, Ai Cập nổi lên là nhà sản xuất thép hàng đầu ở châu Phi. Theo báo cáo mới cập nhật của hãng dịch vụ tài chính Fitch Solutions, Ai Cập hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất ở châu Phi và đứng thứ hai ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA). Trung tâm Thông tin và Hỗ trợ quyết định của nội các Ai Cập (IDSC) trích dẫn báo cáo của Fitch Solutions khẳng định rằng trong khi đại dịch COVID-19 làm gián đoạn hoạt động sản xuất thép trong khu vực, sản lượng thép của Ai Cập vẫn duy trì ổn định trong suốt thời gian qua. Báo cáo cũng tiết lộ thêm sản lượng thép của Ai Cập đã lên tới 9,8 triệu tấn trong năm 2022. Fitch dự báo rằng sản lượng thép của Ai Cập sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 1,5% trong 10 năm tới, do sự hỗ trợ của chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu ngừng nhập khẩu thép. Ai Cập cũng sẽ tăng cường đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng, cùng với các nhà sản xuất khác trong khu vực như Saudi Arabia và Morocco. Fitch Solutions kỳ vọng ngành công nghiệp khai khoáng và kim loại của khu vực MENA sẽ phát triển với tốc độ nhanh trong thập kỷ tới, nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của các chính phủ trong khu vực. Báo cáo cho biết Ai Cập đặt mục tiêu đầy tham vọng là tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng khai khoáng lên 10 tỷ USD vào năm 2040.
Cuối cùng, Dữ liệu từ Liên đoàn Sắt thép Nhật Bản cho thấy Nhật Bản đã xuất khẩu 2.562 triệu tấn thép vào tháng 12/2023, giảm 4.2% so với cùng kỳ năm ngoái, là tháng thứ hai liên tiếp giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng xuất khẩu sản phẩm thép thông thường là 1.732 triệu tấn, giảm 3.9% so với cùng kỳ năm ngoái. Về mặt xuất khẩu sản phẩm chính, Nhật Bản xuất khẩu 954,000 tấn thép tấm cán nóng trong tháng 12/2023, tăng 5.3% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 12, Nhật Bản xuất khẩu 345,000 tấn thép sang Thái Lan, giảm 9.5% so với cùng kỳ năm ngoái.Xuất khẩu 235,000 tấn thép sang Trung Quốc, giảm 15.0% so với cùng kỳ năm ngoái.Xuất khẩu sang Mỹ là 120,000 tấn, tăng 5.0% so với cùng kỳ năm ngoái; Đài Loan, Trung Quốc xuất khẩu 128,000 tấn, tăng 19.8% so với cùng kỳ năm ngoái.Tính chung năm 2023, Nhật Bản đã xuất khẩu tổng cộng 32.690 triệu tấn thép, tăng 1.2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu 22.642 triệu tấn thép thông thường, tăng 5.8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhật Bản và Việt Nam có thể vượt qua giới hạn 15% đối với các lô hàng thép cuộn cán nóng (HRC) vào hạn ngạch của 'các quốc gia khác' của EU. EU đã đề xuất mức trần 15% cho mỗi quốc gia bán vào hạn ngạch của các quốc gia khác từ ngày 1/7, tùy thuộc vào sự chấp thuận của các quốc gia thành viên.Điều đó có nghĩa là các quốc gia bán theo hạn ngạch đó - Nhật Bản, Việt Nam, Đài Loan và Ai Cập chiếm phần lớn khối lượng - bị giới hạn ở mức miễn thuế là 141,849 tấn/quý mỗi quốc gia trong nửa cuối năm 2024. Nhật Bản đã xuất khẩu 215,338 tấn sang EU trong tháng 4 và 33,814 tấn khác trong tháng 3, theo dữ liệu hải quan, tổng cộng là 249,152. Cả hai khối lượng dự kiến sẽ được đưa vào hạn ngạch tháng 7. Theo nền tảng tình báo Kpler, hơn 477,600 tấn thép Việt Nam sẽ cập bến EU từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 6. Nếu chỉ một nửa trong số này là HRC, Việt Nam sẽ vượt xa mức giới hạn và các nhà nhập khẩu phải đối mặt với mức thuế đáng kể. Các nhà xuất khẩu Việt Nam cho biết khoảng 50% doanh số bán hàng ra nước ngoài của họ là HRC.
VI. KẾT LUẬN
EU thực hiện chính sách chống bán phá giá dựa trên chủ trương phục vụ lợi ích cộng đồng (community interest), bao gồm cả lợi ích nhà sản xuất trong nước và lợi ích người tiêu dùng ở các nước thành viên. Theo đuổi chính sách đó, một mặt các quy định của EU vẫn cụ thể hóa các nguyên tắc cơ bản để tính toán các yếu tố liên quan đến bán phá giá, dựa trên Hiệp định ADA nhằm bảo vệ quyền lợi của ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, khác với Mỹ, EU không thực hiện triệt để mọi công cụ để tối đa hóa biên độ phá giá (trong nhiều trường hợp, EU không dùng phương pháp zeroing). Bên cạnh đó, EU quy định không áp dụng biện pháp chống bán phá giá trong trường hợp có ảnh hưởng xấu đến đến lợi ích cộng đồng. Có thể nói, trong số các nước (nhóm nước) thực hiện bảo vệ lợi ích công thì EU là nhóm nước đi đầu và thực hiện tốt chủ trương này. So sánh các quy định của EU, Ấn Độ và Trung Quốc cho thấy, EU có quy định cụ thể về lợi ích công hơn các nước khác và việc thực thi thể hiện tốt hơn chủ trương bảo vệ lợi ích công.
Hệ thống chống bán phá giá của Liên minh Châu Âu được điều chỉnh bởi Quy định của Hội đồng Châu Âu (EC) Số 384/96 ban hành ngày 22/12/1995 về bảo vệ hàng hóa chống lại việc bán phá giá từ những nước không phải là thành viên Liên minh Châu Âu (Quy định Chống bán phá giá). Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/3/1996, có kết cấu tương tự với Hiệp định chống bán phá giá của WTO. Quy định này sau đó được sửa đổi, bổ sung tại các văn bản gồm: Quy định của Hội đồng (EC) số 2331/96 ngày 2/12/1996; Quy định của Hội đồng (EC) số 905/98 ngày 27/4/1998; Quy định của Hội đồng (EC) số 2238/2000 ngày 9/10/2000; Quy định của Hội đồng (EC) số 1972/2002 ngày 5/11/2002. Theo quy định tại Quy định Chống bán phá giá thì điều kiện để áp dụng biện pháp chống bán phá giá bao gồm: (i) Có xảy ra việc bán phá giá; (ii) Các nhà sản xuất sản phẩm tương tự trong khối Cộng đồng chung Châu Âu bị thiệt hại từ việc bán phá giá; (iii) Có tổn hại đến “lợi ích cộng đồng” (lợi ích công). Như vậy, so với quy định của Hiệp định ADA của WTO và nhiều nước khác, pháp luật về chống bán phá giá của EU có thêm điều kiện gây tổn hại đến lợi ích cộng đồng.
Một vụ chống bán phá giá được điều tra bởi Ủy ban Châu Âu EC (European Commission), sau đó được Ủy ban Tư vấn (Advisory Committee) về các biện pháp phòng vệ thương mại cho ý kiến dưới hình thức bỏ phiếu về việc áp dụng biện pháp CBPG. Với sự tư vấn của Ủy ban Tư vấn, Ủy ban Châu Âu sẽ đệ trình đề xuất lên Hội đồng châu Âu (European Council) để ra quyết định cuối cùng.
Các nước tham gia vào quá trình điều tra CBPG của EU có nhiều lợi thế chứng minh và khả năng được xem xét cao do EU duy trì một quy trình điều tra tương đối công bằng và minh bạch. Do đó, việc “bị” tham gia một cuộc điều tra CBPG có thể trở thành lợi thế nếu như các nước làm tốt nhiệm vụ của mình, chứng minh được hành vi bán phá giá không tồn tại hoặc tác động của hành vi đó không đáng kể. Qua đó, có thể được hưởng mức thuế thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh cùng tham gia và tạo ra một hàng rào bảo vệ cho thị phần tại thị trường EU.