Quy định về phòng vệ thương mại trong CPTPP và tình hình điều tra PVTM của các thành viên CPTPP

Nội dung Phòng vệ thương mại trong CPTPP được quy định tại Chương 6, bao gồm 2 phần: Phần A (Các biện pháp tự vệ bao gồm tự vệ toàn cầu, tự vệ trong giai đoạn chuyển đổi) và Phần B (Các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp), trong đó:

- biện pháp tự vệ toàn cầu: tuân thủ WTO, có bổ sung một số ít quy định mang tính WTO+;

- biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển tiếp: quy định chi tiết một số trình tự, thủ tục điều tra;

- biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tuân thủ theo WTO, tuy nhiên, có bổ sung 1 Phụ lục (không bắt buộc) chi tiết về một số trình tự, thủ tục,

Ngoài ra, đối với sản phẩm dệt may/quần áo (gọi chung là dệt may) cũng có quy định riêng về biện pháp khẩn cấp (được hiểu như biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển tiếp với dệt may).

1. Quy định PVTM

1.1. Phần A (Các biện pháp tự vệ[1]) quy định về biện pháp: (i) tự vệ toàn cầu[2]; (ii) tự vệ áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp[3] (tự vệ nội khối áp với các Thành viên CPTPP).

a. Một số định nghĩa (Điều 6.1): về ngành sản xuất trong nước, thiệt hại nghiêm trọng, đe doạ gây thiệt hại nghiêm trọng, giai đoạn chuyển tiếp, biện pháp tự vệ chuyển tiếp. Các định nghĩa này về cơ bản không có gì khác biệt với quy định của WTO, các FTA khác, ngoại trừ quy định về giai đoạn chuyển tiếp như đã phân tích ở trên.

b. Tự vệ toàn cầu:

- Dẫn chiếu tới việc tuân thủ các quyền và nghĩa vụ của Hiệp định Tự vệ WTO và không quy định thêm bất kỳ quyền và nghĩa vụ nào[4] ngoại trừ một nghĩa vụ: Bên điều tra sẽ cung cấp cho các bên bản sao điện tử của thông báo gửi tới Ủy ban về Tự vệ của WTO.[5] Theo WTO, Thành viên WTO phải gửi tới Uỷ ban Tự vệ WTO các thông báo liên quan đến các giai đoạn điều tra chính của vụ việc (khởi xướng, kết luận có thiệt hại/đe doạ thiệt hại nghiêm trọng, áp/gia hạn biện pháp[6]). Quy định tại Điều 6.2.3 của CPTPP nhằm cung cấp thông tin kịp thời, trực tiếp cho các đối tác CPTPP liên quan đến vụ việc điều tra tự vệ bên cạnh kênh thông tin qua WTO.

- Ngoài ra, biện pháp tự vệ toàn cầu sẽ không áp dụng với sản phẩm thuộc danh mục chịu hạn ngạch thuế quan (Tariff rate quota-TRQ) mà một bên áp dụng theo Hiệp định này.[7]

- Có thể loại trừ biện pháp đối với hàng nhập khẩu thuộc hạn ngạch thuế quan theo Hiệp định này và quy định trong Phụ lục A của Biểu cắt giảm thuế quan (Phụ lục 2-D Cam kết thuế quan) nếu hàng nhập khẩu đó không phải là nguyên nhân gây ra/đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng.[8]

- Các bên cũng sẽ không áp dụng/duy trì đồng thời, với cùng một sản phẩm, các biện pháp tự vệ: biện pháp tự vệ của hiệp định (tự vệ chuyển tiếp), tự vệ toàn cầu, tự vệ theo Phụ lục B của cam kết thuế (quy định với một số sản phẩm/lĩnh vực cụ thể, ví dụ Nhật Bản quy định biện pháp tự vệ với hàng nông nghiệp, với sản phẩm gỗ. Việt Nam không quy định Phụ lục B) và biện pháp khẩn cấp theo Chương 4 (Hàng dệt may và phụ kiện).

c. Tự vệ trong giai đoạn chuyển tiếp, quy định:

 - điều kiện áp dụng (với hàng nhập khẩu từ 1 bên hoặc nhiều bên[9], do việc cắt giảm/xoá bỏ thuế của Hiệp định này, nếu tăng tuyệt đối hoặc tương đối so với sản lượng hàng trong nước, gây/đe doạ gây thiệt hại nghiêm trọng cho hàng hoá tương tự/cạnh tranh trực tiếp)[10];

 - cách thức áp dụng (ngừng cắt giảm thuế quan hoặc tăng thuế suất lên mức không vượt quá mức thuế suất theo nguyên tắc tối huệ quốc MFN có hiệu lực tại thời điểm áp dụng biện pháp, hoặc thuế suất MFN có hiệu lực vào ngày liền trước ngày Hiệp định có hiệu lực cho bên áp biện pháp, tuỳ mức nào thấp hơn)[11].

- thời gian áp dụng: 02 năm, có thể gia hạn thêm 01 năm (2+1)[12].

- giai đoạn chuyển tiếp: 03 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc bằng với thời gian cắt giảm thuế theo giai đoạn đối với hàng hoá có thời gian cắt giảm thuế dài hơn. So sánh với giai đoạn chuyển tiếp ở một số FTA khác: ASEAN- Úc, New Zealand (từ khi Hiệp định có hiệu lực đến sau 3 năm kể từ ngày hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế của hàng hoá liên quan); ASEAN-Ấn Độ, ASEAN-Trung Quốc (tương tự nhưng quy định là 5 năm), ASEAN- Hàn Quốc (tương tự nhưng quy định là 7 năm), Việt Nam-Chi lê (5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực trừ khi hàng hoá có lộ trình cắt giảm thuế dài hơn), Việt Nam-EU (10 năm), Việt Nam-Nhật Bản, ASEAN-Nhật Bản (rà lại sau 10 năm).

- Biện pháp không được phép áp dụng lại với cùng một sản phẩm[13] (Theo WTO, biện pháp tự vệ toàn cầu vẫn được phép áp dụng lại với một sản phẩm với điều kiện tuân thủ quy định cụ thể về thời gian (Điều 7.5 và 9.2 Hiệp định Tự vệ WTO).

- hình thức áp dụng (không áp dụng dưới hình thức TRQ[14] hoặc hạn chế số lượng).

- mức thuế khi chấm dứt biện pháp là mức thuế được nêu trong Biểu cam kết của bên áp như chưa từng áp dụng biện pháp.[15]

Một số các quy định của biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển tiếp tương tự như quy định về biện pháp tự vệ toàn cầu của WTO, cụ thể:

- chỉ áp trong thời gian cần thiết đủ để ngăn chặn/khắc phục thiệt hại và nhằm tạo thuận lợi cho việc ngành sản xuất trong nước điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh,[16]

- nới lỏng dần biện pháp (progressively liberalize at regular intervals) nếu áp dài hơn 1 năm.[17]

- thủ tục điều tra, yêu cầu minh bạch (theo trình tự thủ tục giống với quy định tại WTO[18], tức là tuân thủ quy định về việc Cơ quan điều tra phải thông báo công khai, tổ chức phiên tham vấn công khai, công bố báo cáo về kết luận điều tra và căn cứ đưa ra kết luận dựa trên cơ sở pháp lý, dữ kiện thực tế. Ngoài ra, cuộc điều tra phải xem xét vấn đề thiệt hại/đe doạ thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước dựa trên phân tích các chỉ số sản xuất kinh doanh (tăng tuyệt đối/tương đối hàng nhập khẩu, thị phần bị mất do hàng nhập khẩu, thay đổi về bán hàng, sản xuất, năng suất, công suất sử dụng, lợi nhuận/lỗ, lao động), mối quan hệ nhân quả giữa hàng nhập khẩu và vấn đề thiệt hại/đe doạ thiệt hại; việc tách tác động của các yếu tố khác gây ra thiệt hại; công bố bản phân tích về việc xem xét các yếu tố, theo Điều 3, Điều 4.2 (a), 4.2 (b), 4.2 (c) Hiệp định Tự vệ WTO.

- nghĩa vụ thông báo[19] (khi khởi xướng điều tra, kết luận có thiệt hại/đe doạ thiệt hại nghiêm trọng, áp/gia hạn/sửa đổi biện pháp)[20]. Nội dung thông báo khi áp/gia hạn biện pháp bao gồm: bằng chứng về thiệt hại/đe doạ thiệt hại nghiêm trọng do hàng nhập khẩu tăng lên do ảnh hưởng của việc cắt giảm/xoá bỏ thuế quan theo Hiệp định, mô tả hàng hoá, biện pháp, ngày áp dụng, thời hạn áp dụng, thời gian biểu cho việc nới lỏng từng bước biện pháp, bằng chứng ngành sản xuất trong nước đang điều chỉnh (trong trường hợp gia hạn).[21] Quy định này giống với quy định tại Điều 12.2 Hiệp định Tự vệ, chỉ khác một điểm nhỏ là các nội dung thông báo theo Điều 12.2 không chỉ thực hiện theo Điều 12.1 (c) (khi áp/gia hạn biện pháp) mà còn phải thực hiện khi thông báo kết luận có thiệt hại/đe doạ thiệt hại nghiêm trọng theo Điều 12.1(b).

Ngoài ra, một bên khi tiến hành các thông báo trên, có nghĩa vụ tham vấn với bên có hàng hoá bị điều tra theo yêu cầu. [22]

- nghĩa vụ bồi thường[23] khi áp dụng biện pháp, cụ thể: Bên áp dụng phải đền bù/bồi thường dưới hình thức các nhượng bộ (concessions) có tác động thương mại tương đương đáng kể (substantially equivalent level) hoặc tương đương với trị giá các khoản thuế bổ sung của biện pháp và phải tạo cơ hội tham vấn trong vòng 30 ngày kể từ ngày áp biện pháp[24]. Nếu tham vấn không đạt được thoả thuận trong vòng 30 ngày, Bên bị ảnh hưởng có thể trả đũa[25] (đình chỉ áp dụng nhượng bộ tương đương đáng kể-suspend the application of substantially equivalent concessions- đối với thương mại của Bên áp). Về nguyên tắc, quy định này tương đối giống với quy định tại Điều 8.2 Hiệp định Tự vệ WTO, chỉ khác ở một số điểm là theo quy định WTO: việc thông báo trả đũa được gửi cho Hội đồng Thương mại Hàng hoá; phải tham vấn trước khi áp biện pháp (prior consultations) với các Bên có lợi ích đáng kể; thời hạn trả đũa theo WTO phải thực hiện trong vòng 90 ngày kể từ ngày áp biện pháp. Ngoài ra, WTO quy định về thời gian chờ không được trả đũa (không được trả đũa trong vòng 3 năm đầu áp biện pháp với điều kiện việc áp biện pháp là do sự gia tăng nhập khẩu tuyệt đối và tuân thủ quy định.

Ngoài ra, việc trả đũa phải thông báo bằng văn bản ít nhất 30 ngày trước ngày trả đũa[26]. Nghĩa vụ bồi thường sẽ chấm dứt vào ngày biện pháp chấm dứt.[27]

Nghĩa vụ mang tính WTO+: nghĩa vụ cung cấp bản sao các báo cáo công khai cho các bên.[28]

So sánh với EVFTA: Một số điểm khác biệt nhỏ giữa quy định về biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển tiếp của CPTPP và EVFTA (FTA Việt Nam-EU) như sau: Theo EVFTA, giai đoạn chuyển tiếp là 10 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực; thời gian áp dụng biện pháp là 2+2 năm, có thể áp dụng biện pháp sau giai đoạn chuyển tiếp nếu bên kia đồng ý; việc nới lỏng biện pháp chỉ áp dụng khi biện pháp dài hơn 2 năm; quyền trả đũa không được thực hiện trong vòng 2 năm đầu khi biện pháp có hiệu lực nếu biện pháp tuân thủ quy định của Hiệp định.

1.2. Phần B (Chống bán phá giá và thuế đối kháng- chống trợ cấp): các bên dẫn chiếu tới quy định trong Hiệp định của WTO, nghĩa là các nước sẽ tiếp tục thực hiện việc điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp theo WTO. Không áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp định đối với quy định về chống bán phá giá, chống trợ cấp.[29]

Phần B cũng bao gồm Phụ lục 6-A về Thông lệ liên quan đến thủ tục điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp mang tính khuyến nghị mà không phải bắt buộc với một số quy định mang tính WTO+ (phần lớn là các quy định cụ thể thời hạn phải thực hiện một số nghĩa vụ) nhằm tăng sự minh bạch, hạn chế việc lạm dụng, cụ thể:

- Thời hạn thông báo khi nhận hồ sơ hợp lệ (không quá 7 ngày trước khi khởi xướng điều tra) [30];

- Thời hạn thông báo khi điều tra tại chỗ/thẩm tra, thông báo về thời gian dự định thẩm tra ít nhất là 10 ngày làm việc trước khi thẩm tra, cung cấp nội dung/tài liệu cần chuẩn bị cho thẩm tra ít nhất 5 ngày trước khi thẩm tra; ban hành báo cáo trong khoảng thời gian phù hợp để các bên có thể bảo vệ quyền lợi của họ. Báo cáo có nội dung về phương thức, thủ tục thẩm tra, đánh giá về mức độ các tài liệu xem xét trong quá trình thẩm tra đã giúp chứng minh cho số liệu bên bị điều tra cung cấp như thế nào[31];

- Nghĩa vụ duy trì hồ sơ công khai và danh sách các tài liệu để có thể xem xét và sao chép trong giờ làm việc hoặc có sẵn bản điện tử với mức phí sao chép (nếu có) được giới hạn ở mức tương đương với chi phí của dịch vụ được cung cấp.[32] Hồ sơ công khai bao gồm các tài liệu công khai và các bản tóm tắt công khai của các thông tin mật. Trong trường hợp thông tin riêng rẽ không thể tóm tắt, Cơ quan điều tra có thể tổng hợp.  Quy định cho phép Cơ quan điều tra tổng hợp thông tin mật thành thông tin công khai mang tính WTO+ vì WTO quy định nghĩa vụ bên liên quan phải cung cấp bản tóm tắt không mật. Trong trường hợp thông tin không thể tóm tắt thì bên liên quan phải nêu lý do và cơ quan điều tra có thể không xem xét thông tin này trừ khi có bằng chứng từ các nguồn tin cậy cho thấy là thông tin này chính xác. (Điều 6.5.1, 6.5.2 Hiệp định Chống bán phá giá).

- Nghĩa vụ của Cơ quan điều tra yêu cầu bổ sung thông tin từ các nhà sản xuất và xuất khẩu khi gửi bản câu hỏi điều tra và giải thích lý do khi không xem xét một phần/toàn bộ các thông tin trả lời;[33]

- Trước khi ra quyết định về biện pháp chính thức, Cơ quan điều tra thông báo dữ kiện trọng yếu về quyết định có áp thuế hay không bằng bất kỳ cách thức hợp lý nào bao gồm báo cáo tóm tắt số liệu, dự thảo hoặc báo cáo về kết luận sơ bộ hoặc tập hợp các báo cáo hoặc kết luận như vậy để các bên liên quan có cơ hội phản hồi. Quy định này về cơ bản giống quy định tại Điều 6.9 Hiệp định Chống bán phá giá.

1.3. Quy định về biện pháp khẩn cấp đối với dệt may

Trong CPTPP, duy nhất sản phẩm dệt may được quy định riêng về biện pháp khẩn cấp tại Chương 4, điều 4.3. Theo đó, đa số các quy định giống với biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển tiếp nói chung như: mức trần của thuế suất, thông báo bằng văn bản việc khởi xướng điều tra, thông báo về bất kỳ quyết định nào sau tham vấn; các điều kiện, hạn chế trong áp dụng biện pháp (không áp quá giai đoạn chuyển tiếp, không áp với cùng 1 sản phẩm quá 1 lần, mức thuế khi chấm dứt biện pháp; chỉ áp trong khoảng thời gian ngắn nhất đủ để đạt được tác động thương mại tương đương đáng kể; nghĩa vụ bồi thường và quyền trả đũa chấm dứt khi biện pháp chấm dứt; không áp dụng biện pháp này đồng thời với biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển tiếp quy định tại Chương 6 hoặc biện pháp áp theo quy định WTO).

Ngoài ra, có một số quy định khác như:

- Giai đoạn chuyển tiếp: từ khi Hiệp định có hiệu lực đến 5 năm sau ngày nước thành viên nhập khẩu xoá bỏ thuế cho hàng dệt may của nước thành viên xuất khẩu theo Hiệp định này.

- Việc áp dụng biện pháp này phải tuân thủ theo trình tự thủ tục được công bố và phải thông báo cho bên kia về thủ tục này. Quy định cụ thể về các tiêu chí xem xét đối với tác động của sản phẩm dệt may nhập khẩu tới ngành sản xuất trong nước như sản lượng, năng suất, hiệu suất sử dụng công suất, tồn kho, thị phần, xuất khẩu, lương, nhân công, giá trong nước, lợi nhuận và đầu tư. Không xem xét các yếu tố: thay đổi trong công nghệ hoặc thị hiếu khách hàng tại nước nhập khẩu.

- Nước nhập khẩu phải tiến hành tham vấn trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu từ nước xuất khẩu.

- Thời hạn áp dụng: 2+2 năm

- Bồi thường: việc bồi thường sẽ chỉ giới hạn đối với sản phẩm dệt may (trừ khi 2 bên thống nhất bồi thường ở sản phẩm khác). Thời hạn để 2 bên thống nhất bồi thường là trong vòng 60 ngày (hoặc dài hơn nếu 2 bên thống nhất), nếu không thống nhất được trong thời hạn này thì bên nhập khẩu có thể trả đũa.

- Các bên phải gửi báo cáo trong năm áp dụng biện phá cho các bên khác. 

2. Tình hình thương mại giữa Việt Nam và các đối tác CPTPP; thực trạng sử dụng biện pháp PVTM của các nước

2.1. Tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các đối tác CPTPP

Theo tính toán từ số liệu thống kê của hải quan[34], trong năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP khoảng 36,8 tỷ USD (chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam); nhập khẩu từ các nước CPTPP khoảng 37,7 tỷ USD (chiếm 16% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam). Trong đó, Nhật Bản là đối tác lớn nhất của Việt Nam cả về kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu (và cán cân thương mại tương đối cân bằng, theo đó, Việt Nam nhập siêu một lượng rất nhỏ khoảng 160 triệu USD). Với Malaysia, Singapore thì Việt Nam thâm hụt thương mại. Còn đối với các nước còn lại, Việt Nam chủ yếu là thặng dư thương mại.

2.2. Tình hình điều tra PVTM của các nước trong CPTPP

a. Tình hình điều tra PVTM nói chung của các nước trong CPTPP

Theo số liệu của WTO, tình hình điều tra các vụ việc PVTM của các đối tác CPTPP tính đến năm 2018 như sau[35]:

Nước

Chống bán phá giá[36]

Chống trợ cấp[37]

Tự vệ[38]

Canada

241

69

4

Chile

31

6

20

Úc

344

31

4

Nhật Bản

13

1

1

Malaysia

90

0

5

Mexico

155

6

2

New Zealand

61

9

0

Peru

76

10

2

Việt Nam

16[39]

0

6[40]

b. Tình hình điều tra PVTM giữa các nước CPTPP với Việt Nam

Tính đến nay, Việt Nam bị điều tra trên 150 vụ việc PVTM (bao gồm cả chống lẩn tránh thuế CBPG/CTC), trong đó: Chống bán phá giá: 86 vụ; Chống trợ cấp: 16 vụ; Tự vệ: khoảng trên 34 vụ[41]; Chống lẩn tránh thuế CBPG/CTC: 20 vụ.

Trong số 10 nước đối tác CPTPP, có 04 nước đã từng tiến hành điều tra, áp dụng biện pháp PVTM liên quan đến hàng xuất khẩu của Việt Nam, gồm: Canada (12 vụ: 7 vụ CBPG, 3 vụ CTC, 2 vụ tự vệ); Úc (09 vụ: 7 vụ CBPG, 2 vụ CTC),  Malaysia (06 vụ CBPG), Peru (02 vụ CBPG), đặc biệt là xu hướng gần đây Canada, Úc liên tục điều tra với Việt Nam, trong đó đáng lưu ý là gia tăng điều tra chống trợ cấp. Như vậy, tổng số vụ việc do các nước CPTPP tiến hành khởi xướng điều tra và áp dụng biện pháp là 31 vụ.

Các sản phẩm bị các thành viên CPTPP khởi kiện và áp dụng biện pháp PVTM bao gồm chủ yếu là các sản phẩm thép (17 vụ, chiếm 46% tổng số vụ việc), nhôm, màng BOPP, giày, máy biến thế…, cụ thể[42]:

Nước

CBPG

CTC

Tự vệ

Canada

2018[43]: ống thép hàn cácbon, thép cuộn (đang áp)

2017: khớp nối bằng đồng (đang áp)

2014: ống thép dẫn dầu (đang áp),

2009: giày cao su 2002: giày cao su 2001: tỏi

2018: thép cuộn (đang áp),

2017: khớp nối đồng (đang áp), 2014: ống thép dẫn dầu OCTG (không áp)

2018: thép (đang áp)

2005: xe đạp (chấm dứt)  

Úc

2017: tháp gió (chấm dứt), thép dây (không áp)

2016: thép mạ kẽm, nhôm ép (đang áp), vôi sống (không áp)

2014: thép mạ kẽm (không áp)

2013: máy biến thế (hết hạn)

 

 

 

2016: thép mạ kẽm, nhôm ép (không áp)

2014: máy biến thế (không điều tra)

 

Malaysia

2019: thép mạ nhôm kẽm (đang điều tra),

2018: thép mạ kẽm 2015: thép cuộn cán nguội (đang áp), thép không gỉ (không áp), tôn màu (đang áp)

2012: màng BOPP (đang áp)

 

 

Peru

2006: giày mũ vải 2004: ván lướt sóng (chấm dứt)

 

 

Trong khi đó, New Zealand, Nhật Bản, Brunei, Singapore chưa bao giờ sử dụng biện pháp PVTM với Việt Nam, trong đó Singapore không sử dụng biện pháp, Brunei không có quy định pháp luật về PVTM, Nhật Bản ít sử dụng biện pháp.

c. Tình hình điều tra PVTM của Việt Nam

Việt Nam đã điều tra 8 vụ CBPG, 6 vụ tự vệ, 1 vụ chống lẩn tránh.

Trong các đối tác CPTPP, Việt Nam mới tiến hành điều tra 05 vụ việc PVTM liên quan đến Malaysia (tự vệ: dầu thực vật 2012; CBPG: thép không gỉ 2013, ván gỗ MDF 2019, màng BOPP 2019, thép cuộn nguội 2019), trong đó vụ dầu thực vật đã hết hạn, thép không gỉ đang rà soát cuối kỳ, 3 vụ còn lại đang trong giai đoạn điều tra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. http://cptpp.moit.gov.vn

2. http://www.trungtamwto.vn

3. http://pvtm.gov.vn

4. Lời văn Chương 6 (PVTM) CPTPP

5. Hiệp định Tự vệ WTO

 

 

 


[1] Từ Điều 6.1 đến Điều 6.7.

[2] Điều 6.2.

[3] Điều 6.3 đến Điều 6.7.

[4] Điều 6.2.1, 6.2.2.

[5] Điều 6.2.3.

[6] Điều 12.1 Hiệp định Tự vệ

[7] Điều 6.2.4.

[8] Điều 6.2.4.

[9] Đây là điểm khác biệt với biện pháp tự vệ toàn cầu theo WTO vì theo Điều 2.2 Hiệp định Tự vệ WTO, biện pháp tự vệ toàn cầu được áp với hàng hoá nhập khẩu không phân biệt xuất xứ (tức là với tất cả các nước, trừ những nước đang phát triển đáp ứng yêu cầu được loại trừ theo Điều 9.1 Hiệp định Tự vệ do có lượng nhập khẩu không đáng kể. (thị phần nhập khẩu dưới 3% và tổng lượng nhập khẩu từ các nước này dưới 9% so với tổng lượng nhập khẩu hàng hoá liên quan).

[10] Điều 6.3.1.

[11] Điều 6.3.2.

[12] Điều 6.4.2.

[13] Điều 6.4.6..

[14] Biện pháp tự vệ theo WTO vẫn được phép áp dụng hạn ngạch, hạn ngạch thuế quan (Điều 5 Hiệp định Tự vệ).

[15] Điều 6.4.5.

[16] Điều 6.4.1.

[17] Điều 6.4.4.

[18] Điều 6.5.

[19] Điều 6.6.1.

[20] Giống với quy định tại Điều 12.1 Hiệp định Tự vệ WTO.

[21] Điều 6.6.3.

[22] Điều 6.6.4.

[23] Điều 6.7.

[24] Điều 6.7.1.

[25] Điều 6.7.2.

[26] Điều 6.7.3.

[27] Điều 6.7.4.

[28] Điều 6.6.2.

[29] Điều 6.8.

[30] Mục a Phụ lục 6-A.

[31] Mục b Phụ lục 6-A.

[32] Mục c Phụ lục 6-A.

[33] Mục d Phụ lục 6-A.

[34]https://baotintuc.vn/infographics/xuat-nhap-khau-cua-viet-nam-voi-10-nuoc-thanh-vien-cptpp-20190320075950994.htm. https://www.customs.gov.vn/Lists/ThongKeHaiQuan/ViewDetails.aspx?ID=1559&Category=Ph%C3%A2n%20t%C3%ADch%20%C4%91%E1%BB%8Bnh%20k%E1%BB%B3&Group=Ph%C3%A2n%20t%C3%ADch.

[35] Lưu ý số liệu về vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp được tính theo số nước bị kiện (ví dụ 1 vụ việc điều tra với 3 nước thì sẽ tính là 3 vụ) vì vậy số vụ việc trên thực tế có thể sẽ ít hơn. Đối với tự vệ, số liệu được tính theo cách tính vụ việc thông thường.

[36] https://www.wto.org/english/tratop_e/adp_e/AD_InitiationsByRepMem.pdf.

[37] https://www.wto.org/english/tratop_e/scm_e/CV_InitiationsByRepMem.pdf.

[38] https://www.wto.org/english/tratop_e/safeg_e/SG-InitiationsByRepMember.pdf.

[39] Số liệu theo cách tính của WTO, số liệu vụ việc thực tế là 8 vụ chống bán phá giá kể từ năm 2013 đến nay (hiện đang áp thuế chính thức 3 vụ việc, áp thuế tạm thời 2 vụ việc, đang trong giai đoạn điều tra 3 vụ việc). Các sản phẩm liên quan: đang áp thuế (thép không gỉ -inox, tôn mạ, thép hình chữ H), đang áp thuế tạm thời (tôn màu, nhôm định hình), đang điều tra (ván gỗ MDF, màng BOPP, thép cán nguội).

[40] Kể từ năm 2009 đến nay (áp thuế với 5 vụ việc: 1 vụ đã hết hạn, 4 vụ đang áp thuế nhưng sẽ hết hạn vào năm 2020 nếu không gia hạn). Các sản phẩm bị điều tra tự vệ: kính nổi (không áp thuế), dầu thực vật (đã hết hạn), bột ngọt, phôi thép/thép dài, tôn màu, phân bón DAP/MAP (đang áp biện pháp). Hiện đang tiến hành rà soát cuối kỳ 2 vụ việc (phôi thép/thép dài, phân bón) để xem xét có gia hạn hay không.

[41] Lưu ý đối với vụ việc tự vệ, do tính chất là tự vệ toàn cầu nên ta chỉ theo dõi những vụ việc có ảnh hưởng đến Việt Nam (do Việt Nam có xuất khẩu/xuất khẩu với lượng, kim ngạch lớn hoặc do các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, tham gia việc kháng kiện).

[42] Tình trạng các vụ việc: trong số 31 vụ: 2 vụ đang điều tra, 16 vụ không/chấm dứt áp thuế/không điều tra; 13 vụ áp thuế. Đáng lưu ý: 2 vụ việc của Peru đã chấm dứt, các vụ việc CTC của Úc đều không áp thuế.

[43] Tính theo năm khởi xướng.

Tin tức khác