Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và kế hoạch công tác năm 2025 của Cục Phòng vệ thương mại
Ngày 06 tháng 01 năm 2025, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và kế hoạch công tác năm 2025. Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân dự và chỉ đạo Hội nghị. Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công đoàn Bộ Công Thương, đại điện lãnh đạo các Hiệp hội ngành hàng và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Cục.
Trong năm 2024, Cục PVTM đã chủ động triển khai, hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng các nhiệm vụ chuyên môn theo chức năng được giao.
Đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Cục đã tham mưu, đề xuất và xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại. Đến nay, Cục PVTM đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo theo đúng trình tự, thủ tục và tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; báo cáo Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ sớm hơn thời hạn được giao.
Đối với công tác điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM, năm 2024, Cục PVTM tiếp tục điều tra, rà soát 10 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra 06 vụ việc mới, khởi xướng rà soát 03 vụ việc rà soát cuối kỳ; khởi xướng 01 rà soát hàng năm, tiếp nhận và xử lý 07 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới. Trong số 55[1] vụ việc điều tra áp dụng các biện pháp PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, hiện tại có 31 biện pháp PVTM còn hiệu lực. Các biện pháp PVTM được áp dụng đúng đối tượng, đúng mức độ, trong một khoảng thời gian hợp lý theo quy định pháp luật đã đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu.
Đối với công tác ứng phó các vụ việc PVTM của nước ngoài, trong năm 2024, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với 32 vụ việc PVTM nước ngoài mới khởi xướng phát sinh từ 12 thị trường. Con số này tăng hơn gấp đôi so với năm 2023. Hoa Kỳ vẫn là nước điều tra nhiều nhất với 11 vụ việc, chiếm khoảng 1/3 số vụ việc năm 2024. Bên cạnh các vụ việc mới phát sinh, Cục PVTM cũng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xử lý một số vụ việc PVTM khởi xướng từ năm 2023 chưa kết thúc điều tra và các vụ việc rà soát áp dụng biện pháp PVTM. Các cuộc điều tra không chỉ gia tăng về số lượng, mà còn trở nên phức tạp hơn khi nhiều quốc gia điều tra các nội dung mới chưa từng có tiền lệ, cùng với đó, sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, từ các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn như pin mặt trời (4,2 tỷ USD), tôm (800 triệu USD), thép chống ăn mòn (242 triệu USD) đến các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp hơn như khay đúc bằng sợi (50 triệu USD), đĩa giấy (9 triệu USD)… Công tác xử lý các vụ việc PVTM nước ngoài đã đạt được nhiều kết quả tích cực giúp các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp/thấp hơn so với các nước cùng bị điều tra đã góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động ứng phó với các vụ việc PVTM, Cục PVTM thường xuyên cập nhật danh sách cảnh báo sớm các mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để các cơ quan chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp phối hợp theo dõi và nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp.
Cùng với công tác điều tra phòng vệ thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài, Cục PVTM đã và đang triển khai tham mưu, phối hợp với đơn vị chủ trì xây dựng phương án và tham gia đàm phán nội dung phòng vệ thương mại tại các hiệp định thương mại tự do với một số đối tác và đạt được một số kết quả: FTA giữa Việt Nam và khối EFTA; Nâng cấp Hiệp định ATIGA; FTA ASEAN-Trung Quốc, FTA ASEAN-Canada, FTA ASEAN-Ấn Độ; Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất".
Đối với công tác đề nghị các nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, năm 2024, đã có thêm Costa Rica công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Tính đến nay, đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Đối với việc đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường, trong suốt 270 ngày tham gia quy trình theo quy định pháp luật của Hoa Kỳ, Cục PVTM đã phối hợp với luật sư cung cấp hơn 20.000 trang thông tin, tài liệu nhằm chứng minh sự tiến bộ mạnh mẽ của Việt Nam trên tất cả sáu tiêu chí mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra khi xem xét công nhận một quốc gia có nền kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, Cục PVTM cũng phối hợp với các đơn vị liên quan vận động 41 tổ chức, cá nhân, hiệp hội doanh nghiệp, thương mại Hoa Kỳ bày tỏ ý kiến ủng hộ mạnh mẽ việc công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường. Mặc dù kết luận do Bộ Thương mại Hoa Kỳ ban hành chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường, nhưng cũng đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua.
Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính, Cục PVTM đã triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến trong các vụ việc điều tra PVTM từ tháng 7 năm 2024. Trong 6 tháng hoạt động chính thức, đã có hơn 2600 tài liệu được các bên liên quan tải lên hệ thống. Hệ thống đã giúp các bên tham gia vụ việc điều tra thuận lợi hơn trong việc cung cấp tài liệu phục vụ cho công tác điều tra cũng như trong việc tiếp cận các tài liệu này.
Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến về phòng vệ thương mại, trong năm 2024, Cục Phòng vệ thương mại đã đăng tải 380 tin bài, phát hành các ấn phẩm, Bản tin điện tử PVTM và cảnh báo sớm hàng tuần, các video clip tuyên truyền về lĩnh vực PVTM, thu hút 40.000 người theo dõi và hơn 78.000 lượt truy cập. Cục PVTM cũng đã tổ chức thành công Diễn đàn Phòng vệ thương mại lần thứ nhất vào tháng 10 vừa qua và phối hợp với địa phương, hiệp hội, ngành hàng tổ chức hàng chục chương trình hội nghị, hội thảo, tọa đàm từ cơ bản đến chuyên sâu về phòng vệ thương mại trên khắp các tỉnh thành của cả nước.
Cũng trong Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã phát biểu chỉ đạo định hướng công tác phòng vệ thương mại trong thời gian tới. Trong bối cảnh năm 2025 được coi là năm thần tốc, đột phá bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại cần tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: (i) Nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết, chỉ đạo nhằm tạo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng cho các doanh nghiệp và thành phần kinh tế; (ii) Nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật trong nước về PVTM, trong đó có việc xem xét sửa đổi Luật Quản lý Ngoại thương hoặc xây dựng Luật Phòng vệ thương mại; (iii) Cơ quản quản lý nhà nước và các ngành sản xuất cần có chiến lược lâu dài về việc tập trung nâng cao năng lực PVTM; (iv) Tận dụng các công cụ phòng vệ thương mại được WTO cho phép nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh bất bình đẳng và gay gắt của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài; (v) Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong nước trong các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài; (vi) Đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm để có biện pháp cần thiết hạn chế thiệt hại từ các vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; (vii) Củng cố cơ chế phối hợp thống nhất, xuyên suốt xử lý các vụ việc PVTM giữa các Bộ, ngành trung ương và địa phương; giữa các cơ quan trong nước và ngoài nước, giữa các cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội; (viii) Tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức pháp luật và thực tiễn xử lý PVTM của Việt Nam và thế giới cho cán bộ cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ luật sư; (ix) Đẩy mạnh toàn diện công tác xây dựng Đảng, chuẩn bị thật tốt công tác tổ chức Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2025-2030 và chú trọng, quan tâm, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức và xây dựng Đảng.
Những thành tích đã đạt được của tập thể và cá nhân Cục PVTM trong thời gian qua đã được Chính phủ và Bộ Công Thương đánh giá cao và ghi nhận. Bên cạnh những thành tích chuyên môn của Cục, những đổi mới, sáng tạo và đóng góp cho xã hội của Đoàn Thanh niên Cục PVTM đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ghi nhận và trao tặng Bằng khen của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn.
[1] Theo thống kê của WTO