Quy định điều tra thiệt hại của Hoa Kỳ trong các vụ việc chống bán phá giá

1. Quy định pháp luật

Luật chống bán phá giá đầu tiên của Hoa Kỳ được ban hành năm 1916. Luật này đã được thay thế bằng Luật chống bán phá giá 1921 và cuối cùng được hợp nhất với Đạo luật Thuế quan 1930. Pháp luật PVTM của Hoa Kỳ thường xuyên được bổ sung và điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh mới. 

Trong một vụ việc điều tra chống bán phá giá do Hoa Kỳ tiến hành, có hai cơ quan có thẩm quyền liên quan là Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) điều tra về hành vi bán phá giá và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) điều tra về vấn đề thiệt hại. Vấn đề điều tra thiệt hại được quy định tại Đạo luật Thuế quan 1930, 19 US Code, hướng dẫn của cơ quan điều tra (USITC) tại tài liệu cẩm nang điều tra chống bán phá giá của USITC.

1.1. Thiệt hại đáng kể

Quy định của Hoa Kỳ định nghĩa khái niệm “thiệt hại đáng kể” là “thiệt hại mà không phải thiệt hại không gây ra hậu quả, không đáng kể hoặc không quan trọng”. Đạo luật cho phép USITC xem xét (1) lượng hàng hóa nhập khẩu bị điều tra, (2) tác động của việc nhập khẩu hàng hóa nói trên đối với giá bán trong nước của hàng hóa tương tự sản xuất tại Hoa Kỳ, và (3) tác động của việc nhập khẩu hàng hóa nói trên lên nhà sản xuất trong nước các hàng hóa tương tự.

Khi đánh giá lượng nhập khẩu, USITC phải xem xét liệu lượng hàng hóa nhập khẩu, hoặc bất cứ gia tăng nào về lượng, về mặt tuyệt đối hoặc tương đối so với sản lượng hoặc tổng lượng tiêu thụ trong nước ở Hoa Kỳ, là đáng kể hay không.

Khi đánh giá tác động của những hàng hóa nhập khẩu nói trên lên giá, USITC phải xem xét (1) liệu có tồn tại hành vi bán dưới giá (“price underselling”) đáng kể bởi hàng nhập khẩu so với giá bán của sản phẩm tương tự trong nước tại Hoa Kỳ hay không và (2) liệu tác động của hàng nhập khẩu có ép giá đến một mức đáng kể hoặc ngăn giá tăng, việc mà đáng lẽ phải xảy ra, ở mức đáng kể hay không (kìm giá).

            Khi xem xét tác động của hàng hóa nhập khẩu lên nhà sản xuất hàng hóa tương tự trong nước, USITC sẽ đánh giá tất cả các yếu tố kinh tế liên quan mà ảnh hưởng đến tình trạng của ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ, bao gồm, nhưng không giới hạn bởi (1) sự suy giảm thực tế và tiềm ẩn của sản lượng, doanh số, thị phần, lợi nhuận, năng suất, tỷ lệ hồi vốn đầu tư, công suất thực tế; (2) các yếu tố ảnh hưởng đến giá bán trong nước; (3) tác động tiêu cực thực tế và tiềm ẩn tới dòng tiền, tồn kho, nhân sự, tiền lương, tăng trưởng, khả năng tăng vốn, và đầu tư; (4) tác động tiêu cực thực tế và tiềm ẩn lên những nỗ lực phát triển và sản xuất hiện tại của ngành sản xuất trong nước, bao gồm cả những nỗ lực phát triển một sản phẩm tương tự tân tiến hơn hoặc sản phẩm phái sinh; và (5) trong vụ việc điều tra chống bán phá giá, biên độ bán phá giá. Quốc hội ủy quyền cho USITC đánh giá toàn bộ các yếu tố kinh tế liên quan trong bối cảnh vòng đời kinh doanh và điều kiện cạnh tranh riêng biệt liên quan tới ngành sản xuất bị ảnh hưởng.

1.2. Đe dọa gây thiệt hại đáng kể

            Đạo luật quy định rằng “[để] xác định liệu ngành sản xuất tại Hoa Kỳ có bị đe dọa bởi thiệt hại đáng kể gây ra do sự nhập khẩu (hoặc chính xác hơn là do việc bán hàng nhập khẩu) của hàng hóa bị điều tra hay không, USITC sẽ xem xét, cùng với những yếu tố kinh tế liên quan khác—

…….

            (II) bất kỳ công suất sản xuất không sử dụng hiện tại hoặc việc gia tăng công suất sản xuất đáng kể sắp xảy ra ở nước xuất khẩu là dấu hiệu của việc có khả năng tăng đáng kể lượng hàng hóa bị điều tra xuất khẩu vào Hoa Kỳ, sau khi tính toán đến lượng cầu sẵn có của các thị trường xuất khẩu khác để hấp thụ bớt lượng sản phẩm xuất khẩu gia tăng,

            (III) một tỷ lệ gia tăng đáng kể của lượng hoặc thị phần của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra là dấu hiệu của khả năng tăng đáng kể lượng nhập khẩu,

            (IV) liệu hàng hóa nhập khẩu bị điều tra có được bán trên thị trường ở mức giá có khả năng gây ra hiện tượng kìm giá hoặc ép giá đáng kể đối với giá bán trong nước, và có khả năng gây ra hiện tượng tăng cầu hàng hóa nhập khẩu hay không,

            (V) tình trạng tồn kho của hàng hóa bị điều tra,

            (VI) khả năng thay đổi sản phẩm nếu cơ sở sản xuất ở nước xuất khẩu, mà đang được sử dụng để sản xuất hàng hóa bị điều tra, đang được sử dụng để sản xuất hàng hóa khác,

            (VII) trong bất cứ vụ việc điều tra nào thuộc phạm vi của đạo luật này liên quan đến việc nhập khẩu của cả các sản phẩm nông nghiệp thô chưa qua xử lý (được định nghĩa tại Đoạn (4)(E)(iv)) và bất kỳ sản phẩm được xử lý nào từ những sản phẩm nông nghiệp thô nói trên, khả năng sẽ có sự gia tăng nhập khẩu, vì lý do chuyển đổi sản phẩm, nếu có kết luận khẳng định đưa ra bởi USITC theo quy định tại mục 705(b)(1) hoặc 734(b)(1) liên quan đến sản phẩm nông nghiệp chưa qua xử lý hoặc đã qua xử lý (nhưng không phải cả hai),

            (VIII) Tác động tiêu cực thực tế và tiềm ẩn liên quan đến những nỗ lực phát triển và sản xuất hiện tại của ngành sản xuất trong nước, bao gồm cả các nỗ lực để phát triển một sản phẩm phái sinh hoặc một phiên bản tân tiến hơn của sản phẩm tương tự trong nước, và

            (IX) Tất cả các xu hướng bất lợi có thể hiện mà cho thấy khả năng tồn tại hoặc xảy ra thiệt hại đáng kể có nguyên nhân là nhập khẩu hàng hóa bị điều tra (hoặc việc bán hàng nhập khẩu) (liệu sản phẩm này có thực sự được nhập khẩu trong thời gian này hay không).

            Đạo luật hơn nữa đã khẳng định rằng “USITC phải xem xét [các yếu tố này] một cách tổng thể khi đưa ra kết luận về việc liệu việc gia tăng hàng hóa nhập khẩu bán phá giá hoặc được trợ cấp có sắp xảy ra hay không và liệu thiệt hại đáng kể có nguyên nhân là hàng nhập khẩu sẽ xảy ra trừ khi một lệnh áp thuế được đưa ra hoặc một thỏa thuận ngừng phá giá được đồng thuận … Việc đưa ra hay thiếu sót bất kỳ yếu tố nào mà USITC được yêu cầu phải xem xét … không nhất thiết phải mang tính quyết định liên quan đến việc đưa ra kết luận. Kết luận này không được phép đưa ra dựa trên các phỏng đoán và giả định đơn thuần”.

1.3. Ngăn chặn đáng kể sự hình thành của ngành sản xuất

      Bên Yêu cầu có thể cáo buộc rằng sự hình thành của một ngành sản xuất tại Hoa Kỳ bị ngăn chặn đáng kể do nguyên nhân là hàng nhập khẩu, hoặc việc bán hàng (hoặc khả năng bán hàng) nhập khẩu, của sản phẩm bị điều tra. Đạo luật này không định nghĩa khái niệm “ngăn chặn đáng kể”.

1.4. Sản phẩm tương tự sản xuất trong nước và ngành sản xuất trong nước

            Khi xác định liệu một ngành sản xuất trong nước tại Hoa Kỳ có chịu thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa chịu thiệt hại đáng kể hay không, hoặc sự hình thành của ngành sản xuất trong nước ở Hoa Kỳ có bị ngăn chặn đáng kể hay không, bởi hàng nhập khẩu bị điều tra, USITC đầu tiên phải xác định “sản phẩm tương tự sản xuất trong nước” và “ngành sản xuất trong nước”.

Đạo luật quy định “ngành sản xuất trong nước” là “toàn bộ những nhà sản xuất sản xuất hàng hóa tương tự trong nước, hoặc những nhà sản xuất có sản lượng cộng gộp của hàng hóa tương tự trong nước đóng góp một phần lớn vào tổng sản lượng hàng hóa tương tự trong nước”.

“Sản phẩm tương tự sản xuất trong nước” được định nghĩa là “sản phẩm tương tự, hoặc trong trường hợp không tương tự thì có các đặc điểm và chức năng sử dụng gần giống nhất, với hàng hóa bị điều tra”.

1.5. Ngành sản xuất khu vực

            Đạo luật quy định rằng:

            “Trong các trường hợp thích hợp, tại một thị trường của sản phẩm cụ thể, Hoa Kỳ có thể được chia thành hai hoặc nhiều thị trường và nhà sản xuất trong mỗi thị trường đều có thể được tính là một ngành sản xuất độc lập nếu:

(i) Các nhà sản xuất trong thị trường này bán tất cả hoặc gần như tất cả sản phẩm tương tự sản phẩm bị điều tra ở thị trường này và,

(ii) Cầu của thị trường này không được đáp ứng, ở bất kỳ mức độ đáng kể nào, bởi các nhà sản xuất hàng hóa bị điều tra ở khu vực khác của Hoa Kỳ.

Trong những trường hợp nói trên, thiệt hại đáng kể, mối đe dọa thiệt hại đáng kể, hoặc việc ngăn cản đáng kể sự hình thành ngành sản xuất có thể được xem xét có tồn tại đối với các ngành sản xuất riêng biệt nói trên, kể cả trong trường hợp tổng thể ngành sản xuất trong nước, hoặc những nhà sản xuất có sản lượng cộng gộp đóng góp một phần lớn vào sản lượng hàng hóa tương tự trong nước, không bị thiệt hại, nếu lượng hàng hóa nhập khẩu bán phá giá được tập trung vào một thị trường riêng biệt này, và nếu nhà sản xuất của tất cả, hoặc hầu như tất cả, sản phẩm tương tự trong thị trường đó bị thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa bị thiệt hại đáng kể, hoặc nếu sự thành lập ngành sản xuất bị ngăn chặn đáng kể bởi hàng hóa nhập khẩu bán phá giá. Khái niệm ngành sản xuất theo khu vực “regional industry” nghĩa là các nhà sản xuất trong nước trong một khu vực được xem như một ngành sản xuất riêng biệt…”

2. Mô hình cơ quan điều tra thiệt hại (USITC)

Trng một vụ việc CBPG, có 2 cơ quan liên quan bao gồm Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chịu trách nhiệm điều tra vấn đề phá giá và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) chịu trách nhiệm điều tra vấn đề thiệt hại.

Ủy ban gồm 06 ủy viên (trong đó có 1 Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch), bao gồm 03 Ủy viên từ Đảng Dân chủ và 03 đảng Ủy viên từ Đảng cộng hòa hoạt động độc lập với các Đảng phái, Nghị viện và Chính phủ (hiện ITC có 5 Uỷ viên). Các Uỷ viên do Tổng thống đề cử và do Thượng viện phê chuẩn. Để hỗ trợ hoạt động của mình, ITC có các cán bộ chuyên môn về thương mại và phân tích số liệu hải quan, các điều tra viên, phân tích tài chính, nhà thống kê, luật sư, nhà kinh tế học, chuyên gia công nghệ thông tin và các cán bộ hỗ trợ hành chính.[1] ITC là cơ quan liên bang độc lập, bán tư pháp[2]. Liên quan đến lĩnh vực PVTM, ITC chịu trách nhiệm:

- Điều tra thiệt hại và mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và trợ cấp/phá giá/ nhập khẩu quá mức;

- Tham gia vào quá trình điều tra thiệt hại trong thủ tục rà soát lại do thay đổi hoàn cảnh và rà soát hoàng hôn.

- Tư vấn cho các doanh nghiệp có dự định nộp đơn yêu cầu áp dụng các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp. [3]

- Điều tra tự vệ.

Bên cạnh lĩnh vực PVTM, ITC còn điều tra về vấn đề vi phạm sở hữu trí tuệ và theo dõi, duy trì biểu thuế nhập khẩu (Harmonized Tariff Schedule) của Hoa Kỳ.

Sơ đồ tổ chức của ITC[4]: Ngoài các Văn phòng về vấn đề thông tin, tài chính, hành chính, luật sư, ITC có các Văn phòng chuyên môn xử lý các vấn đề liên quan đến lĩnh vực PVTM (trong đó có Văn phòng Điều tra, Văn phòng hỗ trợ PVTM trực tiếp liên quan đến vụ việc PVTM, và các Văn phòng khác đóng vai trò hỗ trợ), cụ thể:

- Văn phòng Điều tra: tiến hành điều tra thiệt hại trong vụ việc CBPG/CTC và rà soát theo Điều VII Đạo luật Thuế quan 1930; điều tra tự vệ theo Đạo luật Thương mại 1974 và một số nội dung điều tra khác.[5]

- Văn phòng hỗ trợ PVTM: cung cấp các thông tin chung cho doanh nghiệp nhỏ về lợi ích của biện pháp PVTM và hỗ trợ kỹ thuật, pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ đáp ứng yêu cầu.[6]

- Văn phòng Kinh tế học: phát triển các kỹ thuật, mô hình kinh tế và các ứng dụng kinh tế mang tính lý thuyết, kỹ thuật để đánh giá hoạt động và tính cạnh tranh của nền kinh tế Hoa Kỳ và tác động của các chính sách thương mại, thương mại quốc tế tới nền kinh tế Hoa Kỳ. Phòng áp dụng các mô hình và phân tích kinh tế để hỗ trợ điều tra, thu thập thông tin kinh tế, phân tích chính sách thương mại của các nước, theo dõi các hiệp định thương mại. Trong đó, có Phòng về kinh tế học ứng dụng chuyên cung cấp các kiến thức kinh tế trong điều tra thiệt hại, bao gồm phân tích giá và đánh giá các bản đệ trình của các bên. [7]

- Văn phòng về phân tích và nghiên cứu: cung cấp các hỗ trợ về số liệu thống kê, nghiên cứu cho hoạt động điều tra (hỗ trợ tìm kiếm thông tin; lưu trữ dữ liệu, ấn phẩm, báo cáo, tài liệu, thông tin về ngoại thương, các ngành nghề; hỗ trợ phân tích số liệu thống kê, lấy mẫu, phiếu điều tra, lập trình toán học, thiết kế cơ sở dữ liệu, vào số liệu...)[8]

ITC có 365 cán bộ bao gồm các nhà phân tích thương mại quốc tế (điều tra viên và chuyên gia về các lĩnh vực cụ thể), các nhà kinh tế học quốc tế, luật sư và cán bộ hỗ trợ kỹ thuật.[9]

Đa số các Thành viên WTO, bao gồm cả Việt Nam đều giao nhiệm vụ điều tra PVTM cho một cơ quan phụ trách. Việc tách riêng phần phân tích thiệt hại và điều tra về vấn đề phá giá/trợ cấp cho các cơ quan độc lập khác nhau của Hoa Kỳ thể hiện tính khách quan cao, minh bạch, sự thận trọng, cân đối lợi ích nhiều bên của Hoa Kỳ khi xem xét áp dụng các biện pháp PVTM.

Tại Việt Nam, mô hình Cơ quan điều tra PVTM cũng đã có sự tham khảo, học tập mô hình này và tách nội dung điều tra tự vệ thực hiện độc lập tương đối so với nội dung điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp, do 02 Phòng khác nhau phụ trách (Phòng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp và Phòng điều tra thiệt hại và tự vệ), điều này góp phần đảm bảo tích khách quan, độc lập nhất định trong vụ việc điều tra PVTM. Tuy vậy, do đơn vị thực hiện điều tra vẫn nằm trong cùng một Cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương, tính khách quan, độc lập này vẫn chỉ mang tính tương đối và chưa thể như cơ chế của Hoa Kỳ.

Về cơ bản các quy định về điều tra thiệt hại của Hoa Kỳ tuân thủ các quy định tại ADA. Dưới đây là một số quy định về các nội dung liên quan.

3. Thực tiễn điều tra thiệt hại của Hoa Kỳ trong các vụ việc chống bán phá giá

Theo số liệu của WTO, Hoa Kỳ[10] cho đến nay đã điều tra 659 vụ CBPG[11] trong đó có 427 vụ việc CBPG[12] đã áp thuế.

Đối với Việt Nam, Hoa Kỳ đã và đang tiến hành điều tra 20  vụ việc CBPG với các sản phẩm: sợi, ống đồng, lốp xe, máy cắt cỏ, đệm mút, tháp gió, túi dệt, tủ dụng cụ, ống thép cuộn, đinh thép, ống dẫn dầu OCTG, thép chịu lực không gỉ, mắc áo bằng thép, ống thép cuộn cacbon, túi PE, lò xo đệm không bọc, cá tra, tôm.

Dưới đây là một số phân tích về thực tiễn điều tra thiệt hại của Hoa Kỳ về các nội dung liên quan trong các vụ việc CBPG.

3.1 Nội dung cần cung cấp tại đơn kiện về vấn đề thiệt hại

Đơn kiện cần cung cấp thông tin, số liệu để chứng minh lập luận rằng ngành sản xuất trong nước đã bị thiệt hại đáng kể do sự gia tăng hàng nhập khẩu. Số liệu nói chung phải bao gồm số liệu ba năm gần nhất cũng như số liệu theo kỳ (year-to-date) của năm hiện tại và năm trước đó[13]. Số liệu nên là số thực tế thay vì số ước tính. Đối với số liệu về ngành sản xuất trong nước, cần cung cấp số liệu thực tế của nguyên đơn. Có thể cung cấp số liệu ước tính cho cả ngành nếu không phải tất cả các nhà sản xuất là nguyên đơn và nếu số liệu công khai về cả ngành không sẵn có. Trong trường hợp số liệu sẵn có mã HS bao gồm cả những mã HS không thuộc đối tượng điều tra mà có thể làm bóp méo xu hướng hoặc mức độ nhập khẩu thì có thể sử dụng số liệu ước tính. Ít nhất đơn kiện cần cung cấp các số liệu như sau (đưa vào bảng):

- Lượng, trị giá nhập khẩu của sản phẩm bị điều tra từ từng nước, và số liệu nhập khẩu từ tất cả các nước.

- Giá bán tại Hoa Kỳ của hàng nhập khẩu bị điều tra (có tính đại diện) (nêu rõ cơ sở tính giá ví dụ giá do nhà nhập khẩu báo giá, giá FOB…), giá của hàng hóa tương tự do nguyên đơn sản xuất (nêu rõ cơ sở tính giá ví dụ giá bình quân gia quyền của các giao dịch bán hàng trong giai đoạn này, giá tại xưởng) và bán cho cùng cấp độ khách hàng (nêu rõ cấp độ khách hàng, ví dụ nhà cung cấp hoặc người sử dụng cuối cùng), cạnh tranh trực tiếp với hàng nhập khẩu[14]. Giá phải ít nhất trong 5 năm gần nhất và phải tính giá theo đơn vị.

- Công suất[15], sản lượng, lượng bán trong nước, lượng xuất khẩu, tồn kho cuối kỳ của hàng hóa sản xuất trong nước tương tự hoặc gần giống nhất với hàng nhập khẩu bị điều tra. Phải cung cấp số liệu đối với nguyên đơn và cả ngành (bao gồm cả nguyên đơn). Số liệu về công suất, sản lượng, tồn kho phải được thể hiện bằng lượng (xác định đơn vị tính), số liệu về lượng bán hàng trong nước, lượng xuất khẩu phải cung cấp cả về lượng và trị giá.

- Số lượng lao động trực tiếp sản xuất và lao động liên quan được sử dụng trong việc sản xuất hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa giống nhất với hàng nhập khẩu bị điều tra, và giờ làm việc. Phải cung cấp riêng số liệu của nguyên đơn và cả ngành (bao gồm nguyên đơn).

- Số liệu về thu nhập và lợi nhuận (doanh thu thuần, giá vốn hàng bán, thu nhập hoặc lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh đối với hoạt động tại Hoa Kỳ trong việc sản xuất hàng hóa tương tự hoặc giống nhất với hàng nhập khẩu bị điều tra). Nếu số liệu chi phí cần thiết cho sản phẩm liên quan không sẵn có tại báo cáo tài chính của nguyên đơn, có thể cung cấp số liệu ở mức hoạt động ở cấp trên mà bao gồm hàng hóa liên quan. Phải cung cấp số liệu riêng rẽ cho nguyên đơn và ngành sản xuất (bao gồm nguyên đơn). Số liệu có thể được báo cáo trên cơ sở niên lịch hoặc năm tài chính (xác định thời điểm kết thúc của năm tài chính của từng doanh nghiệp).

Ngoài ra, đơn kiện phải xác định từng sản phẩm cụ thể mà nguyên đơn đề nghị USITC thu thập thông tin về giá trong bảng câu hỏi. Đơn kiện cũng phải liệt kê tất cả các doanh số và doanh thu bị mất của từng nguyên đơn do hàng nhập khẩu trong suốt 3 năm trước khi nộp đơn[16]. Các cáo buộc về doanh số và doanh thu bị mất cần phải xác định lượng và trị giá liên quan (trong mức độ mà nguyên đơn sẵn có), thời kỳ (tháng và năm) mà doanh số và doanh thu bị mất, tên, địa chỉ, số điện thoại và số fax của công ty khách hàng liên quan. Ngoài ra, đơn kiện cũng phải cung cấp bất kỳ thông tin nào khác liên quan tới vấn đề thiệt hại đáng kể, đe dọa thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản đáng kể sự hình thành của ngành sản xuất trong nước do hàng nhập khẩu bị điều tra.

3.2. Thực tiễn điều tra đối với một số nội dung liên quan đến thiệt hại

a. Ngăn chặn đáng kể sự hình thành của ngành sản xuất

            Khi xem xét về vấn đề “ngăn chặn đáng kể” trong các vụ việc trước đây, USITC bắt đầu bằng cách xem xét câu hỏi về việc ngành sản xuất trong nước đã được “thành lập” hay chưa. Nếu nhà sản xuất trong nước đã bắt đầu sản xuất sản phẩm bị điều tra, ngành sản xuất được xem là đã “thành lập” nếu nhà sản xuất đã hoạt động “ổn định”. Để đánh giá điều này, USITC sẽ xem xét những yếu tố sau:

(1) thời điểm ngành sản xuất bắt đầu sản xuất;

(2) liệu hoạt động sản xuất có đều đặn hay không (dây chuyền chạy đều đặn hay chạy rồi lại dừng);

(3) công suất sản xuất trong nước so sánh với tổng cầu trong nước;

(4) liệu ngành sản xuất trong nước đã đạt đến “điểm hòa vốn” hợp lý hay chưa; và

(5) liệu hoạt động sản xuất này là của một ngành hoàn toàn mới hay chỉ là một dây chuyền sản xuất mới của một doanh nghiệp sản xuất cũ.

Nếu ngành sản xuất chưa hình thành, USITC sẽ xem xét liệu tình hình sản xuất kinh doanh của ngành có phản ánh những khó khăn bình thường của các doanh nghiệp khởi nghiệp mới hoặc liệu do tác động của hàng hóa nhập khẩu đã ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất.

b. Sản phẩm tương tự sản xuất trong nước và ngành sản xuất trong nước

            Kết luận của USITC liên quan đến hàng hóa tương tự trong một vụ việc là kết luận được đưa ra dựa vào các thông tin thực tế, tuân thủ theo các định nghĩa về “tương tự” hoặc “gần giống nhất về đặc điểm và công dụng sử dụng” tùy theo vụ việc. Mặc dù USITC phải chấp nhận kết luận của DOC về phạm vi của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra, USITC xác định hàng hóa tương tự sản xuất trong nước gần giống hàng hóa nhập khẩu mà DOC xác định. USITC có thể, trong trường hợp nhất định, mở rộng quy mô của hàng hóa tương tự sản xuất trong nước không bao gồm trong phạm vi sản phẩm ban đầu, hoặc có thể kết luận ít nhất hai sản phẩm tương tự sản xuất trong nước tương đương với một cấp độ hoặc loại sản phẩm nhập khẩu.

Khi xác định hàng hóa tương tự sản xuất trong nước, USITC thường xem xét một số yếu tố như sau:

(1) đặc điểm vật lý và công dụng;

(2) khả năng thay thế lẫn nhau;

(3) kênh phân phối hàng hóa;

(4) các cơ sở sản xuất thông thường, quy trình sản xuất, nhân công sản xuất;

 (5) quan điểm của khách hàng và nhà sản xuất; và, nếu hợp lý,

(6) giá bán. Không có yếu tố nào là yếu tố quyết định, và USITC có thể xem xét các yếu tố khác mà họ cho là phù hợp trên cơ sở dữ kiện thực tế của từng vụ việc điều tra cụ thể.

Thông thường, USITC sẽ bỏ qua các khác biệt nhỏ giữa các hàng hóa phạm vi bị điều tra và tìm kiếm một phương thức phân chia rõ ràng giữa các sản phẩm có thể là sản phẩm tương tự sản xuất trong nước.

            Một vấn đề nổi lên trong một số vụ việc điều tra là liệu các sản phẩm ở các bước sản xuất khác nhau có thể được tính là cùng một sản phẩm tương tự sản xuất trong nước hay không. Để phân tích về vấn đề này, USITC thường sử dụng “phương pháp phân tích bán thành phẩm”, xem xét các yếu tố sau:

 (1) liệu sản phẩm thượng nguồn chỉ được sử dụng để sản xuất sản phẩm hạ nguồn hay có những công dụng sử dụng riêng biệt khác;

(2) liệu có các thị trường riêng biệt cho các sản phẩm thượng nguồn và hạ nguồn;

(3) sự khác biệt về đặc điểm vật lý và chức năng của sản phẩm hạ nguồn và thượng nguồn;

(4) sự khác biệt về chi phí hoặc trị giá của các sản phẩm tại các bước sản xuất khác nhau; và

(5) độ quan trọng và mức độ của các quy trình sản xuất được sử dụng để chuyển hóa sản phẩm thượng nguồn thành sản phẩm hạ nguồn.

USITC thường không mở rộng quy mô sản phẩm tương tự sản xuất trong nước bao gồm cả sản phẩm hạ nguồn mà không nằm trong phạm vi điều tra.

            Một khi USITC xác định sản phẩm tương tự sản xuất trong nước của một vụ việc điều tra cụ thể, USITC thường định nghĩa ngành sản xuất trong nước là bao gồm tất cả các nhà sản xuất tại Hoa Kỳ sản xuất hàng hóa tương tự. Có hai ngoại lệ cho quy tắc này. USITC có thể kết luận rằng có các “trường hợp thích hợp” tồn hại khi (1) xác định ngành sản xuất trong nước bao gồm các nhà sản xuất hàng hóa tương tự ở một khu vực địa lý nhất định của Mỹ hoặc (2) loại trừ khỏi ngành sản xuất trong nước “một vài bên liên quan”.

            Trong một số vụ việc, USITC đã phải đối diện với câu hỏi liệu hoạt động sản xuất trong nước của một nhà sản xuất cụ thể có đủ lớn để được tính là một thành viên của ngành sản xuất trong nước hay không. Khi xem xét vấn đề này, USITC phải xem xét các tính chất tổng thể liên quan đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại Hoa Kỳ, cụ thể là

(1) nguồn và quy mô vốn đầu tư của doanh nghiệp;

(2) chuyên môn mang tính kỹ thuật liên quan đến hoạt động sản xuất tại Hoa Kỳ;

(3) trị giá được thêm vào sản phẩm tại Hoa Kỳ;

(4) tình trạng nhân công;

(5) số lượng và chủng loại của linh kiện có nguồn gốc ở Hoa Kỳ; và

(6) tất cả các chi phí cũng như hoạt động khác tại Hoa Kỳ trực tiếp liên quan tới việc sản xuất hàng hóa tương tự.

c. Ngành sản xuất khu vực

            USITC trước đó đã kết luận rằng “các trường hợp thích hợp” tồn tại để tiến hành phân tích về yếu tố ngành sản xuất khu vực khi một sản phẩm có tỷ lệ giá trị-trên-trọng lượng thấp và chi phí vận chuyển cao khiến cho khu vực sản xuất sản phẩm này cách biệt với bên ngoài. Tuy nhiên, Tòa thương mại quốc tế CIT, đã cảnh báo về việc “[sự] độc đoán hoặc tự xác định về thị trường khu vực”.

            Nếu USITC kết luận về việc tồn tại thiệt hại đáng kể, đe dọa thiệt hại đáng kể, hoặc ngăn chặn đáng kể sự hình thành ngành sản xuất khu vực bởi hàng nhập khẩu, ở quy mô tối đa có thể, DOC sẽ chỉ áp thuế “đối với các sản phẩm bị điều tra của các nhà sản xuất hoặc xuất khẩu cụ thể xuất khẩu hàng hóa bị điều tra vào khu vực được xem xét trong khoảng thời kỳ điều tra”.

d. Mô hình về điều tra thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả trong vụ việc CBPG

Hoa Kỳ là một trong những số ít những nước sử dụng các mô hình kinh tế để hỗ trợ phân tích pháp lý khi xác định thiệt hại và mối quan hệ nhân quả.

Mô hình Hệ thống phân tích chính sách thương mại (COMPAS) được sử dụng rộng rãi bởi USITC cũng như các bên trong vụ việc để đánh giá tác động của hàng hoá nhập khẩu tới ngành sản xuất trong nước Mỹ.

Một vấn đề liên quan là mức độ USITC phải xem xét vai trò và tác động của hàng hoá nhập khẩu khác (ngoài đối tượng bị điều tra) đối với ngành sản xuất trong nước. Mặc dù hàng hóa bị điều tra có thể bán thấp hơn hoặc ép giá hàng trong nước và phải áp biện pháp PVTM, USITC phải chứng minh liệu hàng hoá nhập khẩu khác (có sẵn tại thị trường trong nước) có khả năng thay thế hàng hoá bị điều tra hay không. Nội dung này được biết đến như là phép thử “khả năng thay thế/lợi ích” - “replacement/benefit”. Theo đó, USITC có trách nhiệm giải thích liệu hàng hóa nhập khẩu không thuộc đối tượng điều tra có thể đã thay thế hàng hoá bị điều tra mà không tạo ra bất kỳ tác động có lợi nào tới ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên có thể có trường hợp mà hàng hoá bị điều tra có thể bán với giá thấp hơn hàng hoá trong nước với lượng đáng kể. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan ngại chính là việc USITC không xem xét một cách đầy đủ tác động của  hàng hoá nhập khẩu không bán phá giá mà cạnh tranh lành mạnh.

Có thể thấy đây là một yêu cầu riêng rẽ của Hoa Kỳ và không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ phán quyết nào trong các vụ giải quyết tranh chấp tại WTO.

Trên thực tế, USITC có thể không áp dụng biện pháp CBPG nếu hàng hoá không bán phá giá không thuộc đối tượng điều tra, nhạy cảm về giá có khả năng thay thế hàng hoá bị điều tra. Trong những trường hợp như vậy, hàng hoá bán phá giá không phải là nguyên nhân thực sự dẫn tới thiệt hại, mà là do các yếu tố khác. Điều này có thể khiến phải đánh giá các tác động mang tính cạnh tranh của các yếu tố trên.

Do đó, phải phân tách rõ tác động về kinh tế của các yếu tố nêu trên ngoài việc phân tích hàng hoá nhập khẩu bán phá giá và có thể sử dụng phân tích kinh tế phức tạp.

Mặc dù Hoa Kỳ đã sử dụng mô hình COMPAS, USITC chỉ sử dụng các công cụ cơ bản trong các vụ việc PVTM. Đáng lưu ý là mặc dù các Ban Hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm WTO đã ra phán quyết không ủng hộ phương pháp phân tích mối quan hệ nhân quả của Hoa Kỳ, chưa có Ban hội thẩm WTO nào đặt câu hỏi về việc sử dụng bất kỳ các mô hình kinh tế nào.

 


[1] https://usitc.gov/press_room/about_usitc.htm

[2] https://usitc.gov/press_room/org_chart_staff_directory.htm

[4] https://usitc.gov/press_room/documents/usitc_organization_chart.pdf

[5] https://usitc.gov/offices/investigations

[6] https://usitc.gov/press_room/trao.htm

[7] https://usitc.gov/offices/econ

[8] https://usitc.gov/offices/oars

[9] https://usitc.gov/commissioner_bios

[10] Lưu ý: số liệu vụ việc được tính theo nước bị điều tra (ví dụ 1 vụ việc điều tra 3 nước thì sẽ được tính là 3 vụ) nên vụ việc thực tế sẽ ít hơn.

[11] https://www.wto.org/english/tratop_e/scm_e/CV_InitiationsByRepMem.pdf.

[12] https://www.wto.org/english/tratop_e/adp_e/AD_MeasuresByExpCty.pdf.

[13] Các giai đoạn không tròn năm thường tương ứng với các quý của năm (ví dụ tháng 1-tháng 3, tháng 1-tháng 6, tháng 1-tháng 9) nhưng phải thống nhất.

[14] cung cấp mô tả chi tiết hàng hóa cụ thể. Để có thể so sánh giá một cách có ý nghĩa giữa hàng nhập khẩu và hàng trong nước, phải nêu đủ chi tiết để sự khác nhau giữa giá hàng nhập khẩu và hàng trong nước không chỉ phản ánh một cách đơn giản sự khác nhau về các đặc tính của sản phẩm, sự khác nhau đó có thể bóp méo xu hướng giá. Hàng hóa cụ thể này cũng phải được bán ở lượng đáng kể bởi nhà nhập khẩu Hoa Kỳ cũng như nhà sản xuất Hoa Kỳ.

[15] Công suất được định nghĩa là mức sản lượng cao nhất mà một cơ sở sản xuất có thể đạt được trong điều kiện hoạt động thông thường. Khi tính toán công suất, có thể giả định: chỉ sử dụng máy móc và thiết bị có mặt tại nhà máy và sẵn sàng hoạt động vào thời điểm này (nghĩa là máy móc, thiết bị mà yêu cầu phải có sự bảo trì lớn trước khi có thể đưa vào hoạt động thì sẽ không được tính); mức độ máy nghỉ để bảo dưỡng, sửa chữa, lau dọn thông thường; số lượng các ca và giờ hoạt động của nhà máy không vượt quá số đã đạt được trong 5 năm gần nhất; các yếu tố như trả tiền làm ngoài giờ, sự sẵn có của lao động, nguyên liệu, thiết bị vv không phải là yếu tố giới hạn; sự phối hợp các sản phẩm mà mang tính phổ biến hoặc đại diện cho sản xuất trong giai đoạn liên quan; và việc sử dụng các cơ sở sản xuất bên ngoài nhà máy để thuê dịch vụ (ví dụ thuê gia công bên ngoài) không vượt quá mức thông thường mà đã xảy ra trong thời kỳ điều tra.

[16] Việc mất doanh số xảy ra khi khách hàng chuyển sang hàng nhập khẩu; việc mất doanh thu xảy ra khi một nhà sản xuất Hoa Kỳ giảm giá hoặc từ bỏ việc tăng giá đã thông báo để tránh việc giảm doanh số do các đối thủ cạnh tranh bán hàng nhập khẩu