Hội thảo: “Phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới” ngày 11/12/2020

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia các hiệp định tự do (FTA). Nổi bật hơn cả là Việt Nam đã tham gia một số FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), và mới đây nhất nước ta đã ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) sau 8 năm đàm phán. Trong bối cảnh đó, việc thực hiện các cam kết thương mại không chỉ góp phần thúc đẩy nền kinh tế, mà còn mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cũng như tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực. Để khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA thế hệ mới trước tình hình xu thế bảo hộ gia tăng, xung đột thương mại đang diễn biến phức tạp, các thông tin ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) ở nước ngoài đồng thời hạn chế những thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam, Trung tâm Thông tin và Cảnh báo trực thuộc Cục PVTM tổ chức hội thảo “Phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới” vào ngày 11 tháng 12 năm 2020 tại Học viện Chính sách và Phát triển, Hà Nội.

Hội thảo có sự tham dự của ông Võ Văn Thúy, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Cảnh báo, Cục PVTM, bà Phan Mai Quỳnh, Phó Trưởng phòng Điều tra thiệt hại và tự vệ, Cục PVTM và PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cùng sự tham dự của nhiều học viên, giảng viên và đông đảo đối tượng quan tâm. Hội thảo nhằm cung cấp thông tin, cập nhật tình hình, xu hường các biện pháp PVTM cũng như tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giải đáp các thắc mắc trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới hiện nay.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Võ Văn Thúy cho biết các công cụ PVTM đã xuất hiện từ rất sớm và được sử dụng thường xuyên trong thương mại quốc tế. Các biện pháp này phát triển song hành cùng với tiến trình tự do hóa thương mại quốc tế. Trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Nếu giai đoạn 2005 -2010 mới có 21 vụ việc (12 vụ việc CBPG, 1 vụ việc CTC, 5 vụ việc tự vệ và 3 vụ việc chống lẩn tránh) thì đến giai đoạn 2011 – 2015 là 52 vụ việc và giai đoạn 2016 – tháng 11/2020 là 99 vụ việc (49 vụ việc CBPG, 15 vụ việc CTC, 24 vụ việc tự vệ và 11 vụ việc chống lẩn tránh). Đặc biệt, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp PVTM. Lý do chính của xu thế gia tăng các vụ việc PVTM áp dụng với hàng xuất khẩu từ Việt Nam là do xuất khẩu của ta tăng nhanh trong thời gian vừa qua – nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các hiệp định FTA. Nhiều mặt hàng của ta đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị chính phủ họ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM.

Cũng trong buổi hội thảo, các diễn giả đã trình bày, truyền đạt nhiều thông tin, kiến thức về tổng quan các hiệp định thương mại tự do và tác động đối với nền kinh tế Việt Nam ; nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA; các biện pháp ứng phó và sử dụng công cụ PVTM. Các ý kiến chia sẻ và thắc mắc của các đại biểu đều được ban tổ chức ghi nhận và giải đáp đầy đủ. Bên cạnh việc góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công PVTM cho các cơ quan quản lý nhà nước, Hội thảo với những nội dung thiết thực, cung cấp và cấp nhật nhiều thông tin bổ ích, đầy đủ cho các học viên, giảng viên và các đối tượng quan tâm đến lĩnh vực PVTM trong địa bàn thành phố Hà Nội.

Trong thời gian tới, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về PVTM sẽ tiếp tục được Trung tâm Thông tin và Cảnh báo nói riêng và Cục PVTM nói chung tăng cường triển khai trên phạm vi toàn quốc để góp phần gia tăng hiểu biết về PVTM không chỉ cho các học viên, giảng viên mà còn cho các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp trong cả nước./.