Một số phân tích về phương pháp tính toán biên độ bán phá giá của cơ quan điều tra Hàn Quốc

1. Tổng quan về điều tra chống bán phá giá tại Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, Ủy ban Thương mại Hàn Quốc (KTC) được thành lập năm 1987 và là cơ quan tiến hành điều tra các vụ việc chống bán phá giá. Hiện nay, KTC gồm 01 chủ tịch và 08 ủy viên trong đó có 01 ủy viên thường trực. Hỗ trợ cho KTC gồm có 04 phòng: Phòng nghiệp vụ, phòng điều tra thiệt hại, phòng điều tra bán phá giá và phòng điều tra các hành vi thương mại không lành mạnh. Trong vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG), việc tính toán biên độ bán phá giá và điều tra thiệt hại do KTC tiến hành nhưng việc áp thuế chống bán phá giá sẽ do Bộ Kinh tế và Tài chính (MOTE) thực hiện.

Các vụ việc điều tra chống bán phá giá do Hàn Quốc khởi xướng điều tra được điều chỉnh bởi Đạo luật hải quan của Hàn Quốc và Hiệp định chống bán phá giá của WTO (ADA). Theo thống kê của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), tính đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2013, Hàn Quốc là một trong những nước thường xuyên sử dụng công cụ CBPG, đứng thứ 15/160 thành viên của WTO với 121 vụ khởi xướng điều tra, áp thuế đối với 77 vụ. Tuy hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam chưa bị Hàn Quốc điều tra biện pháp CBPG nhưng nghiên cứu kinh nghiệm điều tra của Hàn Quốc đem lại một số bài học kinh nghiệm hữu ích cho những cơ quan điều tra. Dưới đây là 10 vấn đề được phân tích chủ yếu trong việc tính toán biên độ bán phá giá tại Hàn Quốc do ông Keon Ho Lee, từng là điều tra viên của KTC, hiện nay là trưởng nhóm về thực tiễn chống bán phá giá của công ty luật Bae Kim & Lee PC tại Hàn Quốc thực hiện.

Phương pháp tính toán biên độ bán phá giá chủ yếu dựa trên việc xem xét và điều chỉnh hai yếu tố chính là Giá trị thông thường (normal value) và giá xuất khẩu (Export price). Việc sử dụng số liệu và cách điều chỉnh hai yếu tố này thường đem lại nhiều tranh cãi trong một vụ việc điều tra. Phân tích dưới đây cho thấy hiện nay, cơ quan điều tra Hàn Quốc vẫn còn một số vấn đề trong việc tính toán biên độ bán phá giá.

2. Một số vấn đề trong tính toán biên độ bán phá giá

2.1. Giá trị thông thường

            a. Cách tính toán lợi nhuận hợp lý (reasonable profit) trong trường hợp cơ quan điều tra phải tự xác định giá trị thông thường (constructed normal value – “CNV”)

Theo quy định hiện nay của Hàn Quốc, trong trường hợp không có giao dịch bán nội địa của hàng hóa tương tự tại thị trường nước xuất khẩu trong điều kiện thương mại thông thường hoặc khi giá trị thông thường không thể áp dụng do điều kiện thị trường đặc biệt thì biên độ bán phá giá sẽ được xác định bằng cách so sánh với giá có thể so sánh được của hàng hóa tương tự xuất khẩu sang một nước thứ ba thích hợp với điều kiện là mức giá đó mang tính đại diện hoặc thích hợp để tự xây dựng giá trị thông thường. Tuy nhiên, thực tiễn điều tra chống bán phá giá cho thấy, trong trường hợp này, KTC thường sử dụng phương pháp tự xây dựng giá trị thông thường hơn là sử dụng giá có thể so sánh được của hàng hóa tương tự xuất khẩu sang một nước thứ ba.

Trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá của Hàn Quốc, thông tin để xây dựng CNV được đệ trình trong bản trả lời câu hỏi của các nhà xuất khẩu. Các thông tin về chi phí sản xuất, chi phí bán hàng, chi phí quản lý, chi phí tài chính, chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) và lợi nhuận đều phải cung cấp trong bản trả lời câu hỏi.

Đối với thông tin về lợi nhuận, KTC yêu cầu các nhà xuất khẩu cung cấp (i) tỉ lệ lợi nhuận thông thường đối với hàng bán nội địa, hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc, và hàng xuất khẩu sang nước thứ ba; (ii) tỉ lệ lợi nhuận của việc bán hàng hóa không thuộc đối tượng điều tra, của các giao dịch bán hàng được ghi nhận tại công ty của doanh nghiệp bị đơn và mức tỉ lệ lợi nhuận bình quân của ngành công nghiệp đó tại quốc gia của doanh nghiệp bị đơn. Trong các vụ việc xảy ra vào cuối những năm 1990, KTC đã sử dụng tỉ lệ lợi nhuận chung của toàn công ty (company wide profit ratio) để tính tỉ lệ lợi nhuận hợp lý khi tính toán CNV. Tuy nhiên, trong những vụ việc gần đây, tỉ lệ lợi nhuận hợp lý mà KTC sử dụng để tính toán CNV là tỉ lệ lợi nhuận từ các giao dịch bán hàng nội địa có lãi. Trong vụ việc điều tra CBPG đầu tiên của Việt Nam, cơ quan điều tra cũng đã sử dụng phương pháp tương tự này của Hàn Quốc để tính toán lợi nhuận.

Hiện nay, Hiệp định ADA tạo cho cơ quan điều tra các nước sự tùy ý đáng kể trong việc tính toán CNV. Do vậy, với tư cách là một thành viên của nhóm những nước đàm phán về chống bán phá giá, Hàn Quốc đã đề nghị WTO đưa ra một hướng dẫn rõ ràng đối với việc tính toán CNV tại chương trình nghị sự phát triển vòng đàm phán Doha (DDA)[1].

            b. Hàn quốc tự động loại trừ các giao dịch bán dưới giá thành (sales below cost)

Giá trị thông thường được định nghĩa là giá bán của hàng hóa tương tự trong điều kiện thương mại thông thường tại nước xuất khẩu. Tuy nhiên, KTC cho rằng những giao dịch bán hàng nội địa của hàng hóa tương tự tại thị trường nước xuất khẩu với mức giá thấp hơn giá thành sản xuất thì có thể được xem là không được thực hiện trong điều kiện thương mại thông thường trong hai trường hợp sau:

            (i)  Giá bán bình quân gia quyền của tất cả các giao dịch được xem xét để xác định giá trị thông thường thấp hơn chi phí sản xuất bình quân gia quyền;

            (ii) Lượng các giao dịch bán dưới chi phí sản xuất đơn vị chiếm trên 20% lượng bán các giao dịch được xem xét để xác định giá trị thông thường và những giao dịch như vậy được bán với giá không đủ bù đắp chi phí trong một khoảng thời gian hợp lý.

Về mặt kỹ thuật, KTC đã tiến hành 2 bước để kiểm tra các giao dịch bán dưới giá thành. Thứ nhất, nếu giá bán bình quân gia quyền thấp hơn chi phí bình quân gia quyền thì KTC sẽ tự xây dựng giá trị thông thường hoặc sử dụng giá xuất khẩu sang nước thứ ba để xác định giá trị thông thường. Thứ hai, nếu bình quân gia quyền giá bán cao hơn bình quân gia quyền chi phí thì bước kiểm tra giao dịch bán dưới giá thành được thực hiện đối với từng mã quản lý sản phẩm (PCN), cụ thể:

- Nếu lượng các giao dịch bán trên giá thành chiếm trên 80% tổng lượng tất cả các giao dịch nội địa thì giá trị thông thường sẽ được tính toán dựa trên tất cả các giao dịch nội địa.

- Nếu lượng giao dịch bán trên giá thành chiếm trên 20% nhưng dưới 80% tổng lượng các giao dịch nội địa thì cơ quan điều tra chỉ sử dụng các giao dịch bán trên giá thành để tính toán giá trị thông thường.

- Nếu lượng giao dịch bán trên giá thành chiếm dưới 20% tổng lượng các giao dịch nội địa thì cơ quan điều tra sẽ tự xây dựng giá trị thông thường tính toán hoặc sử dụng giá xuất khẩu sang nước thứ ba thay vì các giao dịch bán nội địa để xác định giá trị thông thường.

Cách tiếp cận này cũng tương tự như cách tiếp cận của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam trong vụ việc điều tra CBPG đầu tiên.

            c. Vấn đề bán hàng nội địa cho các công ty có mối liên kết hoặc thông qua các công ty liên kết

Để xác định các bên có mối quan hệ liên kết trong vụ việc điều tra chống bán phá giá, Đạo luật hải quan Hàn Quốc đưa ra định nghĩa về bên liên kết như sau:

  1. Là cán bộ hoặc lãnh đạo của một tổ chức hoặc chính tổ chức đó;
  2. Là cộng tác pháp lý
  3. Là chủ doanh nghiệp hoặc người làm thuê của doanh nghiệp đó;
  4. Là bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu, kiểm soát hoặc nắm giữ quyền biểu quyết ít nhất 5% cổ phần hoặc cổ phiếu biểu quyết của một tổ chức hoặc chính tổ chức đó;
  5. Là bất kỳ cá nhân nào kiểm soát cá nhân khác hoặc chính cá nhân đó;
  6. Là ít nhất 2 cá nhân bị kiểm soát bởi hoặc chịu sự kiểm soát chung bởi bất kỳ cá nhân nào;
  7. Là ít nhất 2 cá nhân trực tiếp kiểm soát hoặc có quyền kiểm soát chung đối với bất kỳ cá nhân nào; và
  8. Là các thành viên trong một gia đình.

Như vậy, khi một giao dịch nội địa được thực hiện giữa doanh nghiệp bị đơn và các bên không liên quan thông qua một công ty có mối liên kết thì KTC thường coi các bên liên quan như một thực thể kinh tế duy nhất và giá bán cho người mua độc lập đầu tiên sẽ được sử dụng làm cơ sở để tính toán giá trị thông thường. Tuy nhiên, nếu các giao dịch thực hiện thông qua các công ty có mối liên kết chiếm tỉ trọng nhỏ trong toàn bộ các giao dịch nội địa thì những giao dịch như vậy có thể không được xem xét trong quá trình tính toán vì lý do trọng yếu. Tuy nhiên, quy định của Hàn Quốc hiện nay không có tiêu chí rõ ràng cho việc loại bỏ những giao dịch như vậy ra khỏi việc tính toán và cũng không có nguyên tắc, quy định cụ thể nào về việc xác định xem giá bán hàng hóa có bị tác động bởi mối quan hệ liên kết hay không.

Trong trường hợp giao dịch được thực hiện với các công ty có mối liên kết, nếu không có bằng chứng về việc giá bán bị ảnh hưởng do có mối quan hệ đặc biệt thì các giao dịch đó vẫn có thể được sử dụng làm cơ sở để tính toán giá trị thông thường[2]. Tuy nhiên, nếu giá bán của các giao dịch với các công ty liên kết nằm trong khoảng từ 98% - 102% giá bán (+/- 2%) cho các công ty độc lập thì khi đó có thể xem giá bán không bị tác động bởi mối quan hệ liên quan và do đó có thể sử dụng để tính toán giá trị thông thường.

Hiện nay, Hiệp định ADA không đưa ra bộ tiêu chí đầy đủ và rõ ràng về việc xác định khi nào thì các bên được coi là có mối quan hệ liên kết và ADA cũng không đưa ra chỉ dẫn một cách đầy đủ những trường hợp mà sự tồn tại của mối quan hệ liên kết ảnh hưởng đến việc tính toán biên độ bán phá giá. Do vậy, cần suy xét lại vấn đề công ty có mối liên kết và đảm bảo rằng Hiệp định ADA đưa ra định nghĩa rõ ràng và thích hợp các vấn đề này. Về vấn đề này, Hàn Quốc đã gửi yêu cầu lên WTO về việc bổ sung thêm điều khoản định nghĩa về bên liên kết để áp dụng vào các vụ việc điều tra chống bán phá giá khi các giao dịch bán cho các bên liên kết được thực hiện với giá không đáng tin cậy.

            d. Vấn đề kinh tế phi thị trường (Nonmarket economy -NME)

Liên quan đến vấn đề kinh tế thị trường, khi tiến hành điều tra chống bán phá giá, KTC sẽ kiểm tra xem ngành sản xuất xuất khẩu hàng hóa từ các nước nêu trên có đáp ứng các tiêu chí mà KTC đưa ra hay không để từ đó công nhận quy chế kinh tế thị trường cho sản phẩm bị điều tra đó. Khi đó, KTC sẽ sử dụng giá bán nội địa làm cơ sở để tính toán giá trị thông thường.

Hiện nay, về mặt pháp lý, Hàn Quốc không coi một quốc gia cụ thể nào là nước có nền kinh tế phi thị trường mà chỉ đánh giá từng nước xuất khẩu trong từng vụ việc cụ thể. Về tiêu chí để coi một nước là nước có nền kinh tế phi thị trường, Đạo luật hải quan của Hàn Quốc không đưa ra các tiêu chí cụ thể mà KTC xem các tiêu chí sau đây (các tiêu chí này được cũng được tham khảo từ Hoa Kỳ và Liên minh Châu ÂU - EU). Cụ thể như sau:

  1.  Cấu trúc doanh nghiệp của doanh nghiệp bị đơn và sự tham gia của chính phủ trong ban giám đốc và quản lý của doanh nghiệp;
  2. Khả năng chuyển đổi của tiền tệ nước xem xét sang ngoại tệ;
  3. Mức lương của nước đó có được quyết định dựa trên thỏa thuận tự do giữa người lao động và quản lý không, và liệu việc sa thải hoặc thuê nhân công có được quyết định dựa trên các yếu tố thị trường không;
  4. Liên doanh hoặc các đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài có được thừa nhận của nước liên quan không và liệu việc phân phối lợi nhuận hoặc khôi phục đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài có được bảo đảm không.
  5. Mức độ chính phủ sở hữu hoặc kiểm soát các phương tiện sản xuất;
  6. Mức độ chính phủ kiểm soát việc phân bổ nguồn lực và quyết định giá cả, sản lượng của doanh nghiệp
  7. Điện và nước có được cung cấp đúng theo các điều kiện và điều khoản của hợp đồng không;
  8. Việc cho thuê đất và vay vốn có được thực hiện phù hợp với các điều kiện và điều khoản trong hợp động như đã được áp dụng trong nền kinh tế thị trường không; và
  9. Các yếu tố khác mà KTC cho là phù hợp.

Trong các vụ việc trước đây, KTC đánh giá quy chế nền kinh tế chuyển đổi của các nước nêu trên trong từng vụ việc điều tra và đánh giá từng sản phẩm dựa trên cơ sở quy chế kinh tế thị trường. Do vậy, trong một vài vụ việc, ví dụ như vụ Choline Chloride của Trung Quốc năm 1996, KTC đã quyết định sản phẩm thuộc đối tượng điều tra thuộc cơ chế kinh tế phi thị trường. Do đó, KTC đã sử dụng giá tại nước thay thế làm cơ sở để tính toán giá trị thông thường và biên độ bán phá giá do đó đã bị thổi phồng. Tuy nhiên, từ sau năm 2000, một tỉ lệ đáng kể các vụ việc mà sản phẩm của Trung Quốc được coi là thuộc cơ chế định hướng kinh tế thị trường và sử dụng giá bán nội địa của Trung Quốc làm cơ sở để tính toán giá trị thông thường. Điều này đã làm giảm đáng kể biên độ bán phá giá của cho các nhà sản xuất/xuất khẩu Trung Quốc so với các vụ việc từ trước năm 2000.

Tháng 12 năm 2005 KTC đã chính thức công nhận Trung Quốc và Nga là nước có nền kinh tế thị trường. Năm 2009, Hàn Quốc cũng đã công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam

2.2. Giá xuất khẩu

Vấn đề về tự xây dựng giá xuất khẩu (Constructed export price - CEP)  

KTC sẽ xây dựng giá xuất khẩu CEP trong trường hợp tồn tại các giao dịch có sự tham gia của các nhà nhập khẩu có mối quan hệ liên kết[3]. Các nhà xuất khẩu có các công ty nhập khẩu liên kết phải cung cấp các thông tin về chi phí, lợi nhuận của hoạt động nhập khẩu và bán lại của các công ty chi nhánh theo yêu cầu tại Bản câu hỏi của KTC. Mặc dù không có điều khoản quy định trong Đạo luật hải quan Hàn Quốc về tính lợi nhuận nhưng KTC thường tính toán lợi nhuận trên cơ sở chi phí phát sinh tại thị trường Hàn Quốc và thị trường nhập khẩu. Do chỉ có một vài vụ việc sử dụng phương pháp tự xây dựng giá xuất khẩu nên nguyên tắc tính toán chưa được luật quy định. Tuy nhiên, trong một vài vụ việc gần đây, lợi nhuận từ việc bán hàng bởi công ty chi nhánh được tính toán trên cơ sở gán chi phí. Phương pháp này tương tự như phương pháp Hoa Kỳ sử dụng. Trong trường hợp không có lợi nhuận từ việc bán hàng thông qua chi nhánh tại Hàn Quốc, thì vấn đề phát sinh tranh luận là khi đó sẽ xem xét tính toán giá xuất khẩu như thế nào. KTC cũng không có quy định cụ thể về vấn đề này.

Liên quan đến các giảm trừ khi điều chỉnh CEP, KTC cũng cho phép thực hiện những điều chỉnh tương ứng vào giá bán nội địa bao gồm cả chi phí bán hàng gián tiếp liên quan đến bán hàng nội địa. Điều chỉnh này được thực hiện trong những trường hợp đặc biệt khi cấp độ thương mại khác nhau giữa bán hàng nội địa và bán hàng xuất khẩu và sự khác biệt về cấp độ thương mại đó ảnh hưởng đến việc so sánh giá. Gánh nặng chứng minh trong những trường hợp này dường như là rất lớn. Tuy nhiên, KTC thường khá linh hoạt cho phép thực hiện những điều chỉnh tương ứng vào giá trị thông thường gọi là “CEP offset”.

2.3. Phương pháp điều chỉnh giữa giá trị thông thường và giá xuất khẩu

a) Điều chỉnh về cùng một cấp độ thương mại (level of trade)

KTC điều chỉnh sự khác biệt về cấp độ thương mại giữa giá trị thông thường và giá xuất khẩu để đảm bảo tính công bằng thông qua việc điều chỉnh khác biệt giá trong các cấp độ thương mại. Theo qui định của WTO, việc so sánh giữa giá trị thông thường và giá xuất khẩu phải được thực hiện ở cùng một cấp độ thương mại, trong một số trường hợp khi không có cùng một cấp độ thương mại thì sự khác biệt về cấp độ thương mại được phản ánh như một yếu tố điều chỉnh và định lượng.

Thực tế điều tra cho thấy, cơ quan điều tra thường sẽ rất khó để chứng minh tác động giá gây ra từ sự khác biệt thương mại. Và trong hầu hết các vụ việc, KTC phân tích sự khác biệt cấp độ thương mại và xem xét có coi sự khác biệt đó có phải là một yếu tố điều chỉnh hay không. Tuy nhiên, do vấn đề này rất khó để giải thích nên hầu hết sự khác biệt về cấp độ thương mại không được coi là một yếu tố điều chỉnh. Trong một vài vụ việc, thay vì sự khác biệt về cấp độ thương mại, “CEP offset” lại được coi là một yếu tố điều chỉnh ví dụ như vụ việc Phin alkaline nhập khẩu từ Singapore, Trung Quốc và Nhật Bản năm 2003, KTC đã phản ánh sự khác biệt về cấp độ thương mại như một yếu tố điều chỉnh dưới hình thức “CEP offset”.

Tương tự, khi so sánh giá trong trường hợp khác biệt về cấp độ thương mại khó giải thích, các bị đơn lập luận rằng việc xem xét sự khác biệt về lượng trong các giao dịch (tức là chiết khấu về lượng) cần được thực hiện. Thực tiễn tại Hàn Quốc, có duy nhất một vụ việc mà chiết khấu về lượng được xem xét.

b) Điều chỉnh các chi phí tín dụng (credit expense) và vấn đề hoàn thuế (duty drawback)

Chi phí tín dụng (credit expense) được xem là chi phí cơ hội khi giao dịch không phải thanh toán ngay và do giá bán có thể khác bởi các kỳ tín dụng khác nhau, do đó chi phí tín dụng không được xem là chi phí tài chính (financial expenses) thực tế đã xảy ra, nhưng vẫn được xem là một yếu tố phải điều chỉnh. KTC đã tính toán chi phí tín dụng bằng cách sử dụng lãi suất cho vay ngắn hạn của doanh nghiệp bị đơn và giai đoạn tín dụng là từ ngày bán hàng đến ngày thanh toán. Trong trường hợp việc tính toán giai đoạn tính dụng và lãi suất cho vay ngắn hạn là thích hợp thì chi phí tín dụng sẽ dễ dàng được chấp nhận.

Đối với các khoản thuế được hoàn trong nội địa, KTC cũng tiến hành điều để so sánh. Doanh nghiệp bị đơn muốn yêu cầu điều chỉnh khoản thuế đã được hoàn cần phải:

(i) cung cấp bản gốc và bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Hàn về quy định cho phép hoàn thuế đối với hàng xuất khẩu và phương pháp sử dụng để tính toán mức thuế được hoàn;

(ii) báo cáo tổng mức thuế được hoàn mà doanh nghiệp bị đơn nhận được khi bán hàng sang Hàn Quốc và sang các nước thứ ba; và

(iii) báo cáo theo từng giao dịch mức thuế được hoàn mà doanh nghiệp bị đơn nhận được đối với từng giao dịch xuất khẩu sang Hàn Quốc.

2.4. Các vấn đề khi sử dụng phương pháp so sánh giữa giá trị thông thường và giá xuất khẩu

a) Xây dựng Mã kiểm soát hàng hóa (PCN)

Trước đây, KTC thường yêu cầu các doanh ngiệp bị điều tra cung cấp mã hàng hóa (trong bán hàng và sản xuất) được sử dụng trong hệ thống mã hóa sản phẩm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay KTC bắt đầu sử dụng mã kiểm soát hàng hóa PCN do cơ quan điều tra thiết lập[4]. Việc áp dụng PCN này tuy không mới nhưng vẫn tồn tại một số trường hợp ngoại lệ như việc KTC được tùy ý quyết định cấp độ so sánh giá. Trong vụ việc pin alkaline, vào giai đoạn giữa quá trình điều tra, KTC đã tự thiết lập một PCN đặc biệt nhằm mục đích so sánh giá và đã chịu sự tranh luận rất lớn giữa các doanh nghiệp bị đơn và nguyên đơn. Các yếu tố sử dụng để xây dựng PCN bao gồm chi phí sản xuất, tính năng của sản phẩm, giá cả, cấu tạo sản phẩm, nhận thức của người tiêu dùng.

b) Phương pháp quy về không (zeroing)

Điều 10(8) của Quy định thực thi Đạo luật hải quan Hàn Quốc quy định khi so sánh giá trị thông thường và mức giá bán phá giá, cơ quan điều tra phải so sánh bình quân gia quyền của giá và lượng bán. KTC so sánh giá trị thông thường và giá xuất khẩu trên cơ sở bình quân gia quyền với bình quân gia quyền và không thực hiện phương pháp quy về không đối với từng PCN[5]. Ở Hàn Quốc, không có vụ việc nào thực hiện so sánh giá trên cơ sở giao dịch – giao dịch hay giao dịch – bình quân gia quyền khi tính toán biên độ bán phá giá, và cũng không có vụ việc nào sử dụng phương pháp quy về không.

Về phương pháp quy về không, Hàn Quốc khẳng định cấm sử dụng phương pháp này và đã sửa đổi Điều 2.4.2 Hiệp định ADA nhằm quy định rõ rằng bất kể là cơ sở so sánh giá trị thông thường và giá xuất khẩu dựa trên cơ sở bình quân gia quyền – bình quân gia quyền, giao dịch – giao dịch hay bình quân gia quyền – giao dịch thì tất cả các biên độ dương và biên độ âm đối với hàng nhập khẩu từ nước xuất khẩu hoặc nhà sản xuất hàng hóa thuốc đối tượng điều tra đều phải được cộng vào phù hợp với DDA.

2.5. Việc áp dụng thuế chống bán phá giá

            Thực hiện nguyên tắc thuế suất thấp hơn (lesser duty)

            KTC áp dụng nguyên tắc thuế suất thấp hơn (lesser duty rule) bằng cách áp dụng mức thuế thấp hơn biên độ bán phá giá nếu như mức thuế đó đủ để bù đắp thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa trong từng vụ việc cụ thể. Nguyên tắc thuế suất thấp hơn được thực hiện bằng cách tính toán biên độ thiệt hại (injury margin) và việc tính toán biên độ thiệt hại không được công bố. Chỉ trong trường hợp biên độ thiệt hại thấp hơn biên độ bán phá giá, khi đó nguyên tắc thuế suất thấp hơn được áp dụng và biên độ thiệt hại mới được công bố.

            Việc tính toán biên độ thiệt hại xem xét từng trường hợp bao gồm kìm giá (price suppression) hay ép giá (price depression). Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều công thức tính toán cho các trường hợp khác nhau và KTC có quyền tùy ý rất rộng trong việc tính lợi nhuận mục tiêu khi xác định giá bán trong nước. Biên độ thiệt hại được tính toán duy nhất cho tất cả hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các nước bị điều tra. Điều này có nghĩa chỉ có một biên độ thiệt hại duy nhất, thể hiện ở phần trăm giá CIF sang tất cả các nước xuất khẩu. Do đó, trong một vài trường hợp, doanh nghiệp bị đơn được hưởng lợi bởi đang phải chịu mức biên độ bán phá giá cao nhưng được áp dụng biên độ thiệt hại thấp hơn.

            KTC cũng không phân biệt biên độ thiệt hại theo mức độ hợp tác. Điều này khác với thông lệ tại Ủy ban châu Âu EC.

 


[1] Tài liệu WTO TN/RL/W/6, ngày 26 tháng 4 năm 2002

[2] Như trong vụ việc Industrial Robots nhập khẩu từ Nhật Bản (2005)

[3] Điển hình trong các vụ việc Electric Shavers nhập khẩu từ Hà Lan (1997); Alkaline Batteries từ Singapore, Trung Quốc và Nhật Bản (2003), vv

[4] Trong vụ việc điều tra ceramic tiles nhập khẩu từ Trung Quốc khởi xướng vào tháng 6 năm 2005, lần đầu tiên Hàn Quốc sử dụng PCN của mình, theo đó KTC sử dụng 5 mã PCN

[5] Như trong vụ việc điều tra sản phẩm GIấy không phủ nhập khẩu từ Indonesia và Trung Quốc năm 2003, KTC đã từ chối yêu cầu của nguyên đơn về việc áp dụng zeroing đối với PCN để tránh việc bán phá giá mục tiêu

Tin tức khác