Đài Loan (Trung Quốc) quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức đối với xi măng và clanhke của Việt Nam

Ngày 22 tháng 7 năm 2025, Cơ quan điều tra phòng vệ thương mại Đài Loan (Trung Quốc) đăng Công báo về quyết định áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với xi măng và clanhke của Việt Nam, cụ thể như sau:

1. Thông tin chung về vụ việc và nội dung về quyết định áp thuế

Ngày 08 tháng 8 năm 2024, Cơ quan điều tra Đài Loan (Trung Quốc) đã khởi xướng điều tra vụ việc theo đề nghị của Nguyên đơn - Hiệp hội các nhà sản xuất xi măng Đài Loan (Trung Quốc). Hàng hóa bị điều tra là xi măng portland và clanhke thuộc mã HS 2523.29.90.00.2 và 2523.10.90.00.3. Thời kỳ điều tra bán phá giá là từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 đến ngày 30 tháng 6 năm 2024.

Ngày 10 tháng 2 năm 2025, Cơ quan điều tra Đài Loan (Trung Quốc) xác định biên độ phá giá sơ bộ đối với 07 doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đáp ứng điều kiện hưởng biên độ phá giá riêng rẽ. Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu khác chịu mức toàn quốc do không sản xuất, xuất khẩu mặt hàng bị điều tra sang Đài Loan (Trung Quốc) trong thời kỳ điều tra và/ hoặc không nộp bản trả lời câu hỏi điều tra theo đúng yêu cầu, thể thức và thời hạn quy định (không hợp tác đầy đủ) . Thuế suất/ biên độ phá giá sơ bộ giao động ở mức từ 16,42% đến 23,75%. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra Đài Loan (Trung Quốc) quyết định không áp thuế CBPG tạm thời đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng bị điều tra của Việt Nam do không có tình trạng doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) chịu thiệt hại trong thời kỳ điều tra (mặc dù có dấu hiệu hợp lý cho thấy có nguy cơ gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa).

Ngày 27 tháng 6 năm 2025, Cơ quan quản lý Kinh tế Đài Loan (MOEA) đã đăng thông báo về kết quả cuối cùng đối với điều tra thiệt hại trong vụ việc trên, khẳng định việc bán phá giá mặt hàng trên từ Việt Nam có nguy cơ gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất xi măng Đài Loan.

Ngày 22 tháng 7 năm 2025, Cơ quan điều tra Đài Loan (Trung Quốc) đã đăng Công báo về quyết định áp thuế CBPG cuối cùng đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng bị điều tra của Việt Nam. Thuế suất/ biên độ phá giá giao động ở mức từ 13,59% đến 23,20% và có hiệu lực trong vòng 5 năm kể từ ngày 28 tháng 7 năm 2025 đến ngày 27 tháng 7 năm 2030.

2. Quy trình thủ tục tiếp theo

Trong vòng 02 tháng kể từ ngày đăng Công báo về quyết định áp thuế CBPG cuối cùng, nếu không đồng ý với Quyết định áp thuế, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan có thể khiếu kiện tới Tòa án hành chính Thành phố Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc).        

3. Khuyến nghị

Nhằm đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp sản xuất/ xuất khẩu của Việt Nam, Cục PVTM khuyến nghị Hiệp hội và doanh nghiệp:

- Xem xét phương án đề nghị cơ quan điều tra PVTM Đài Loan rà soát hàng năm/ định kỳ hoặc rà soát nhà xuất khẩu mới để đạt được mức thuế thấp hơn trong thời gian tới;

- Cân nhắc khả năng khiếu kiện Quyết định áp thuế ra Tòa án hành chính Thành phố Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) trong trường hợp Quyết định không phù hợp với quy định của Đài Loan và WTO;

- Đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu;

- Liên hệ, trao đổi với Cục PVTM trong trường hợp cần tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật.

Chi tiết xin liên hệ: Phòng Xử lý PVTM nước ngoài, Cục PVTM, Bộ Công Thương, 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội (Chuyên viên phụ trách: Bùi Anh Dũng, E-mail: dungban@moit.gov.vn, nganha@moit.gov.vn, Website: http://trav.gov.vn/.

Tin tức khác