Cục Phòng vệ thương mại sơ kết 6 tháng đầu năm 2025: Chủ động, hiệu quả, sẵn sàng ứng phó thách thức mới
Ngày 18/7, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025. Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại cùng toàn thể công chức, viên chức và người lao động của đơn vị. Cục trưởng Lương Hoàng Thái chủ trì Hội nghị. Chủ động trong triển khai nhiệm vụ Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Chu Thắng Trung cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, Cục Phòng vệ thương mại đã chủ động và tích cực triển khai các nhiệm vụ chuyên môn theo đúng chức năng, kế hoạch được Bộ Công Thương giao. Về công tác xây dựng văn bản pháp luật, Cục đã hoàn thành việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, hoàn thành việc xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành 5 Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại và hướng dẫn thực hiện các hiệp định thương mại tự do về phòng vệ thương mại. Các nghị định và thông tư mới đồng thời có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2025. Trên cơ sở đó, Cục cũng đã hoàn tất công tác hợp nhất và pháp điển các nghị định, thông tư hiện hành về phòng vệ thương mại theo đúng quy định của pháp luật và thực hiện công bố thủ tục hành chính được quy định trong các văn bản pháp luật trên. Tăng cường điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại Sáu tháng đầu năm 2025, Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục tiến hành điều tra, rà soát 09 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2024; khởi xướng điều tra 02 vụ việc rà soát mới trong đó có 01 vụ việc rà soát cuối kỳ và 01 vụ việc rà soát hàng năm. Bên cạnh đó, Cục Phòng vệ thương mại đã tiếp nhận và xử lý 04 hồ sơ đề nghị điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá mới, 01 hồ sơ đề nghị rà soát nhà xuất khẩu mới và 01 hồ sơ đề nghị điều tra chống lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá. Tính đến nay, trong số 57 vụ việc điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, đã có 31 biện pháp phòng vệ thương mại có hiệu lực. Các biện pháp này đã góp phần bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và việc làm của hàng chục ngàn lao động trực tiếp và hàng trăm ngàn lao động gián tiếp, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội, tăng thu cho ngân sách nhà nước khoảng 1,5 nghìn tỷ mỗi năm. Tiêu biểu, Cục đã hoàn tất điều tra và kiến nghị Bộ trưởng ban hành quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng nhập khẩu, quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu, quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với cáp thép dự ứng lực, quyết định gia hạn biện pháp chống bán phá giá đối với bột ngọt và quyết định chấm dứt biện pháp chống bán phá giá đối với màng BOPP. Hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài Trong 6 tháng đầu năm 2025, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với 14 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại nước ngoài mới khởi xướng phát sinh từ 09 thị trường (tăng 01 vụ so với cùng kỳ năm 2024 là 13 vụ việc). Hoa Kỳ vẫn là nước điều tra nhiều nhất với 06 vụ việc (chiếm gần 43% số vụ việc 6 tháng đầu năm 2025). Bên cạnh các vụ việc mới khởi xướng, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phải xử lý hơn 100 vụ việc từ những năm trước đang trong quá trình điều tra hoặc rà soát áp dụng biện pháp. Trước bối cảnh đó, Cục Phòng vệ thương mại đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm giúp doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế như: (i) cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh để các cơ quan chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp phối hợp theo dõi và nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp; (ii) chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, hiệp hội, ngành hàng xử lý các vụ việc phát sinh: hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định điều tra và xây dựng phương án ứng phó; trả lời các bản câu hỏi và tham gia các cuộc thẩm tra dành cho Chính phủ Việt Nam; xây dựng lập luận, phản biện, tham vấn với cơ quan điều tra nước ngoài khi hoạt động và kết luận điều tra chưa phù hợp với các quy định quốc tế, pháp luật của nước sở tại; (iii) đưa vụ việc ra cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đẩy mạnh truyền thông và nâng cao năng lực ứng phó Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại tiếp tục được chú trọng. Cục đã duy trì phát hành 24 số bản tin điện tử về phòng vệ thương mại và cảnh báo sớm định kỳ hàng tuần và tổ chức 04 hội thảo, 01 hội nghị tập huấn chuyên sâu cho các địa phương và doanh nghiệp. Cục cũng đang tích cực triển khai các nhiệm vụ tại Quyết định 316/QĐ-TTg về hệ thống cảnh báo sớm và Quyết định 824/QĐ-TTg về tăng cường quản lý nhà nước trong phòng chống lẩn tránh và gian lận xuất xứ. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác trong 6 tháng cuối năm Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Lương Hoàng Thái yêu cầu các đơn vị trong Cục cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ và đạt được kết quả tốt hơn nữa trong công tác 6 tháng cuối năm 2025. Đặc biệt, Cục cần tập trung hoàn thiện các quy trình điều tra và quy trình rà soát áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định tại các văn bản pháp luật mới có hiệu lực; đẩy mạnh công tác thông tin, xây dựng và chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị. Trong công tác điều tra phòng vệ thương mại, Cục cần bám sát và tuân thủ đúng các quy định pháp luật, đảm bảo tiến độ các vụ việc điều tra, xem xét ý kiến và thông tin của các bên liên quan một cách cẩn trọng và khách quan. Các biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực cần được theo dõi, đánh giá thường xuyên để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo các biện pháp được áp dụng một cách hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mức độ và trong khoảng thời gian hợp lý. Trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, Cục cần bám sát các doanh nghiệp để có sự hỗ trợ kịp thời, tập trung vào các vụ việc Chính phủ cần tham gia trả lời và các vụ việc có kim ngạch xuất khẩu lớn. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá cao kết quả công tác mà Cục Phòng vệ thương mại đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2025 trong bối cảnh có nhiều sự sắp xếp, thay đổi. Mặc dù khối lượng công việc lớn nhưng Cục Phòng vệ thương mại về cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ, các công việc được triển khai một cách trơn tru, đúng thời hạn. Những công việc mà Cục Phòng vệ thương mại đã hoàn thành trong 6 tháng đầu năm đã góp phần bảo vệ các ngành sản xuất trong nước không chỉ trước sự cạnh tranh không công bằng của hàng nhập khẩu mà còn trước những vụ việc điều tra phòng vệ thươgn mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong 6 tháng cuối năm 2025, Thứ trưởng yêu cầu Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục phát huy những ưu điểm đã có để hoàn thành tốt các công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nhạy bén với các tình huống phát sinh. Cục cần làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý và cung cấp thông tin, đảm bảo các hoạt động điều tra được thực hiện một cách công bằng, minh bạch, tuân thủ đúng các quy định pháp luật. Cục cần tiếp tục chú trọng và mở rộng công tác cảnh báo sớm để dự báo từ sớm, từ xa các tình huống có thể xảy ra, từ đó chủ động hơn nữa trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ. |