Bộ Công Thương không chấp nhận cam kết trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

Ngày 04 tháng 7 năm 2025, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1958⁄QĐ-BCT về việc không chấp nhận cam kết trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (mã vụ việc AD20). Theo đó, Bộ Công Thương không chấp nhận cam kết của Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc trong vụ việc AD20.

Căn cứ theo Điều 77 và Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương, ngày 06 tháng 6 năm 2025, Bộ Công Thương đã nhận được đề xuất cam kết của Hiệp hội sắt thép Trung Quốc – CISA đại diện cho 16 doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc.

Trên cơ sở đề xuất cam kết của CISA, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính (Cục Hải quan) và các bên liên quan cho ý kiến đối với đề xuất cam kết giá của CISA cũng như cơ chế kiểm soát, theo dõi giá tối thiểu và lượng nhập khẩu theo đề xuất của CISA.

Trên cở sở ý kiến của các bên liên quan và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương xác định không chấp nhận đề xuất cam kết của CISA với các lý do: (i) chỉ có bên đề nghị đã hợp tác đầy đủ trong giai đoạn điều tra mới được xem xét cam kết; (ii) lượng cam kết tối đa không có khả năng khắc phục được thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước; (iii) Giá cam kết tối thiểu không có khả năng khắc phục được thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước; (iv) mức giá tham chiếu không công khai, gây khó khăn trong việc đối chiếu, theo dõi; (v) chưa có cơ chế quản lý hiện tại của Cơ quan hải quan có thể giám sát hiệu quả việc thực hiện cam kết; (vii) việc áp dụng cam kết mà không có cơ chế quản lý giám sát có thể dẫn đến khả năng lẩn tránh biện pháp CBPG và (viii) việc áp dụng cam kết không có khả năng khắc phục được thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước.

Tham khảo nội dung Quyết định số 1958/QĐ-BCT tại đây.

Tin tức khác