Thái Lan thắt chặt quản lý hoạt động bán hàng qua sàn giao dịch trực tuyến để đối phó với tình trạng bán phá giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin yêu cầu các cơ quan chính phủ cần đưa ra các biện pháp tích cực hơn trong việc ngăn chặn các giao dịch nhập khẩu không rõ ràng, bao gồm tăng cường hoạt động kiểm tra về giấy phép và đăng ký kinh doanh, hình thức thanh toán và kiểm soát chất lượng.

Trong vài tháng gần đây, Thái Lan đã siết chặt việc giám sát hàng hóa nước ngoài được giao dịch trên sàn thương mại trực tuyến vào nước này - đặc biệt là hàng giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc, khi các nhà sản xuất trong nước ngày càng chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong cuộc họp nội các ngày 13 tháng 8 năm 2024, Thủ tướng Srettha cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng trước cuối tháng này phải đưa ra được các biện pháp chống bán phá giá mạnh mẽ hơn, áp dụng cho cả các giao dịch trực tiếp và trực tuyến.

Vào tháng trước, Chính phủ Thái Lan đã gia hạn áp dụng thuế giá trị gia tăng 7% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu có giá dưới 1.500 baht, vốn được miễn thuế trước đó. Ngoài ra, nước này cũng đã tổ chức những cuộc thảo luận về việc tăng thuế hải quan.

Ông Chai Wacharonke - phát ngôn viên chính phủ cho biết, Bộ Thương mại Thái Lan cũng đưa ra kế hoạch giới hạn số lượng và giá trị hàng hóa nhập khẩu qua các kênh trực tuyến mỗi năm. Tuy nhiên, ông không đưa thêm chi tiết về việc này.

Mặc dù Thủ tướng Srettha Thavisin và phát ngôn viên chính phủ ông Chai Wacharonke đều không đề cập cụ thể đến Trung Quốc, nhưng các tổ chức trong đó có Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan và Phòng Thương mại Thái Lan, cho biết các nhà sản xuất trong nước đang bị ảnh hưởng trước sự cạnh tranh với hàng hóa từ Trung Quốc.

Ông Chai Wacharonke nói với các phóng viên sau cuộc họp nội các rằng "Có một lượng hàng hóa nhập khẩu cao bất thường qua nền tảng thương mại trực tuyến. Điều này đang tác động nghiêm trọng đến các nhà sản xuất trong nước của chúng ta, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Chúng ta không thể lơ là về vấn đề này."

Từ khi nổi lên như một cường quốc về sản xuất trong hàng thập kỷ trước, Trung Quốc thường xuyên bị chỉ trích trong các năm qua về việc xuất khẩu hàng hóa giá rẻ. Hoạt động xuất khẩu của nước này gần đây đã bị giám sát chặt chẽ hơn khi các quốc gia phải đối phó với sự mất cân bằng thương mại ngày càng gia tăng khiến hàng loạt nhà máy phải đóng cửa.

In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Việt Nam cũng đã tăng cường cảnh giác đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong những tháng qua, với các biện pháp như: rà soát các chính sách chống bán phá giá, khởi xướng điều tra và tái áp thuế. Các biện pháp này được áp dụng với các mặt hàng như thép, dệt may, nhựa, da, cao su, gỗ và gần đây là cả các sản phẩm tiêu dùng.

Theo báo cáo của tờ Thansettakij, Thái Lan đã chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề với hơn 3.500 nhà máy đóng cửa trong ba năm rưỡi qua.

Sự xuất hiện gần đây của nền tảng mua sắm trực tuyến Trung Quốc Temu cũng đã làm dấy lên lo ngại về tác động của nền tảng này tới thị trường.

"Chúng ta cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), để họ có thể thích nghi và cạnh tranh được trên  cả thị trường trực tuyến và trực tiếp", Thủ tướng Srettha Thavisin  nói trong một cuộc họp báo.

Tuy nhiên, chính phủ sẽ cố gắng "cân bằng" giữa việc bảo vệ các doanh nghiệp trong nước và tuân thủ các hiệp định thương mại quốc tế, ông Chai Wacharonke cho biết.