Ngày 30 tháng 8, Tổng vụ Phòng vệ thương mại (DGTR) thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã kiến nghị áp thuế chống bán phá giá đối với nhôm lá nhập khẩu từ Trung Quốc do nhận thấy nhôm lá nhập khẩu từ Trung Quốc đã chiếm tới 30% thị trường Ấn Độ mặc dù năng lực sản xuất trong nước hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước.
Trước đó, các công ty trong nước như Hindalco, Shyam Steel & Power Ltd., Venkateshwara Electrocast Pvt. Ltd. và Ravi Raj Foils Ltd đã nộp hồ sơ yêu cầu điều tra tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đối với các nhà sản xuất nhôm lá trong nước.
Bộ Tài chính Ấn Độ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về mức thuế sau khi có kết quả điều tra chống bán phá giá.
DGTR kết luận rằng việc nhập khẩu nhôm lá có độ dày lên đến 80 micron, không bao gồm nhôm lá dưới 5,5 micron được sử dụng cho các ứng dụng không phải để sản xuất tụ điện, đã gây áp lực lớn đến ngành sản xuất trong nước, buộc các nhà sản xuất phải giảm giá bán dưới mức giá thành để cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, DGTR kiến nghị áp thuế chống bán phá giá từ 619 USD/tấn đến 873 USD/tấn đối với nhôm lá nhập khẩu từ Trung Quốc. DGTR kết luận tổng công suất và sản lượng của các nhà sản xuất trong nước trong quá trình điều tra lần lượt là 132.140 tấn và 69.572 tấn, trong khi đó tổng công suất và sản lượng của Ấn Độ là 289.735 tấn và 126.495 tấn.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cảnh báo rằng việc áp thuế có thể gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất hạ nguồn, dẫn đến tình trạng không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Báo cáo từ AL Circle về "Xu hướng hiện tại và dự báo về nhôm lá và các mục đích sử dụng cuối cùng đến năm 2028" cho biết, nhu cầu sử dụng nhôm lá tại Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 5,9% trong giai đoạn 2023-2028. Ngành công nghiệp nhôm lá cũng lo ngại rằng chi phí tăng cao của sản phẩm hạ nguồn sẽ làm cho khu vực sản xuất hạ nguồn tại Ấn Độ trở nên kém cạnh tranh.